Khốn khổ sau một vụ trúng đấu giá ở Bát Tràng, Hà Nội

Nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh việc TAND huyện Gia Lâm thụ lý vụ án hành chính để xem xét hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của UBND huyện Gia Lâm cấp cho người trúng đấu giá lô đất tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh việc TAND huyện Gia Lâm thụ lý vụ án hành chính để xem xét hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của UBND huyện Gia Lâm cấp cho người trúng đấu giá lô đất tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Trúng đấu giá mảnh đất  này nhưng ông Tâm liên  tục bị nhũng nhiễu
Trúng đấu giá mảnh đất này nhưng ông Tâm liên tục bị nhũng nhiễu

“Méo mặt” vì trúng đấu giá

Như PLVN đã thông tin, sau khi trúng đấu giá thửa đất số 03, tờ bản đồ 08 tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng do Cục THADS TP. Hà Nội kê biên để thi hành án theo Quyết định số 195 ngày 24/12/2008 của TAND TP. Hà Nội, ông Dương Minh Tâm trú tại Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội nộp đầy đủ hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Gia Lâm (VPĐK), nhưng bị cơ quan này “ngâm” một thời gian dài rồi tự ý đứng ra giải quyết vụ việc một cách trái pháp luật.

Thửa đất mà ông Tâm trúng đấu giá vốn là của ông Nguyễn Khắc Anh thế chấp tại Ngân hàng cổ phần thương mại Việt Á, Phòng giao dịch Ba Đình vào tháng 7/2007. Do không trả được nợ nên ngân hàng khởi kiện ông Anh và TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử.

Sau khi báo PLVN phản ánh hành vi “lạm quyền” của VPĐK, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Phòng TN&MT kiểm tra làm rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân. Cục THA Dân sự TP Hà Nội cũng có công văn phản ứng hành vi dây dưa không làm thủ tục tách GCN đất cho ông Tâm và đề nghị Phòng TN&MT huyện Gia Lâm xem xét, giải quyết, đảm bảo bản án được thực thi đúng pháp luật.

Sau khi giao cho phòng chức năng thẩm tra, rà soát, ngày 10/10/2011, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã ra Quyết định cấp GCN cho ông Tâm. Chưa kịp mừng sau khi nhận GCN, gia đình ông Tâm lại ngỡ ngàng đón nhận thông báo của TAND huyện Gia Lâm cho biết đã thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Khắc Thịnh (anh em ông Khắc Anh) để xem xét hủy quyết định cấp GCN của UBND huyện Gia Lâm đã cấp cho ông Tâm.

Thụ lý có đúng luật?              

Từ ngày Tòa án thông báo thụ lý đã hơn 11 tháng vụ án không được đưa ra xét xử. Suốt chừng đấy thời gian ông Tâm bị “cấm cửa” các giao dịch liên quan đến tài sản mà ông đã trúng đấu giá. “Đáng ra việc mua được nhà đất theo quyết định kê biên và phán quyết của tòa án phải được pháp luật bảo vệ nhưng hết VPĐK nay lại đến tòa án gây khó dễ. Tôi ngờ vực có tiêu cực sau câu chuyện này”- ông Tâm ngán ngẩm. 

Theo tìm hiểu, ông Thịnh cho rằng ông có quyền thừa kế 1/3 thửa đất của bố mẹ ông để lại nay tài sản bị Nhà nước đem ra đấu giá. Nội dung trong đơn khởi kiện, ông Thịnh yêu cầu hủy Quyết định số 860 ngày 3/10/2005 và Quyết định 2646 ngày 10/10/2011 của UBND huyện Gia Lâm.

Thực ra, khiếu nại của ông Thịnh đã được chính quyền xem xét. Theo một lãnh đạo Phòng TN&MT Gia Lâm, sau khi xem xét kỹ hồ sơ và căn cứ Điều 138, Điều 258 Bộ luật Dân sự năm 2005, khoản 3, Điều 4 Nghị định 17 ngày 21/10/2009 của Bộ TN&MT, Điều 37 Quyết định 117 của UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm đã quyết định cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông Tâm. Nay TAND huyện thụ lý để xem xét việc UBND huyện cấp GCN 2 lần có đúng pháp luật hay không là quyền của tòa. Cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thông báo cho ông Tâm tạm ngưng các giao dịch liên quan tới tài sản này chờ tòa án giải quyết xong.

Tuy nhiên, theo Luật sự Tạ Quốc Cường, Văn phòng Luật Sự thật (Đoàn Luật sư Hà Nội), Luật tố tụng Hành chính quy định thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định như trong trường hợp này là 04 tháng, tối đa là 6 tháng nhưng gần 1 năm mà chưa đưa ra xét xử là không đúng. 

Cũng theo Luật sư Cường, Luật tố tụng Hành chính quy định thời hiệu khởi kiện là 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tòa án huyện Gia Lâm thụ lý đơn ông Thịnh yêu cầu hủy Quyết định số 860 ngày 3/10/2005 của UBND huyện Gia Lâm là không chuẩn.

Ngoài ra, TAND sẽ phải trả lại đơn khởi kiện khi thấy thời hiệu khởi kiện đã hết mà không có lý do chính đáng hoặc sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật như trong trường hợp này.

Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá, theo đó quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Nhưng trong trường hợp này, ông Tâm thay vì được các cơ quan Nhà nước bảo vệ ông lại liên tục bị VPĐK đến tòa án “thi nhau” nhũng nhiễu. 

Trước đó, năm 2003, ông Nguyễn Khắc Anh dùng Trích lục bản đồ của thửa đất để cầm cố tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Gia Lâm để vay 100 triệu đồng. Theo tài liệu từ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Gia Lâm, thời điểm Ngân hàng cho ông Khắc Anh dùng trích lục bản đồ thửa đất (lúc đó ông Anh chưa được cấp sổ đỏ) vay vốn để sản xuất.

Trong đơn xin xác nhận nguồn gốc sử dụng đất trong hồ sơ vay vốn của ông Khắc Anh có đầy đủ chữ ký của những người cùng hàng thừa kế liên quan đến tài sản thế chấp. Đặc biệt, có sự xác nhận của chính quyền địa phương là UBND xã và Phòng TN&MT huyện Gia Lâm.   

Phi Hùng

Đọc thêm