[links()]Ông Đỗ Việt Hưng, nắm quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại và Xuất khẩu lao động (Vinahandcoop), 80 Hàng Gai, Hà Nội- người trực tiếp ký hợp đồng đưa hàng ngàn lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài song không hề có bằng đại học. Điều này trái với các quy định của pháp luật XKLD nhưng vẫn tồn tại nhiều năm nay mà cơ quan quản lý nhà nước dường như "ngó lơ"?
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, nhân viên công ty Vinahandcoop, theo điều lệ của Công ty thì người đứng đầu pháp nhân phải có bằng đại học và có kinh nghiệm trong lĩnh vực Xuất khẩu lao động, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, ông Đỗ Việt Hưng không có bằng đại học nhưng vẫn được giao quyền Tổng giám đốc và được bổ nhiệm vào Hội đồng thành viên của công ty.
Ông Hưng vẫn phong cho mình là Tổng giám đốc, điều đó thể hiện trên con dấu. |
Trong thông báo số 110/TB – TCHC ra ngày 25/8/2010 về việc phân công và giao nhiệm vụ các ủy viên HĐTV, ông Hưng được trực tiếp xử lý và giải quyết các công việc như: ký các hợp đồng, hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động XKLĐ và hoạt động kinh doanh khác của công ty.
Bên cạnh đó, cũng theo đơn phản ánh của cán bộ, nhân viên Vinahandcoop, trong các giấy tờ, văn bản và thậm chí là sổ bảo hiểm và chế độ lương, ông Hưng đều tự nhận mình là cử nhân kinh tế.
Không những thế, mặc dù chức vụ ông Hưng chỉ là Quyền Tổng giám đốc công ty, tuy nhiên trên con dấu của mình, ông Hưng đã “nghiễm nhiên” tự “phong quyền” là Tổng giám đốc.
Để tìm hiểu kỹ vấn đề trên, PV PLVN Online đã trực tiếp gặp ông Đỗ Việt Hưng. Trong buổi làm việc, ông Hưng cũng đã thừa nhận mình hoàn toàn không có bằng cử nhân như trong 1 số giấy tờ, văn bản của công ty đã ghi.
Trong nhiều loại văn bản, giấy tờ do chính ông Hưng ký, trình độ ông Hưng vẫn là cử nhân kinh tế. Lý giải cho điều này, ông Hưng đổ lỗi cho bộ phận... hành chính. |
Khi được hỏi về bằng cấp của mình, ông Hưng chỉ trả lời là cách đây rất lâu, ông Hưng có theo học tại HV Tài Chính Hà Nội, tuy nhiên học được một thời gian thì ông Hưng bỏ học. Còn mốc thời gian mà ông Hưng đã học tại đây, ông Hưng bảo không nhớ.
Về vấn đề các văn bản của công ty đều ghi ông Hưng là cử nhân kinh tế, ông Hưng trả lời là đây là lỗi của bộ phận…hành chính. Và khi văn phòng đưa lên để ông Hưng, với vai trò là Quyền Tổng giám đốc để ký, ông Hưng vì “ký vội” nên đã không để ý sai sót trên.
Tại buổi làm việc, ông Hưng cũng cho rằng việc mình được đơn vị chủ quản của công ty là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bổ nhiệm vai trò điều hành công ty là vì lúc đó, công ty đang gặp khó khăn về nhân sự, và cần…người tài để lãnh đạo.
Như vậy, gần 3 năm nay, công ty Vinahandcoop đã làm việc với 1 “đầu tàu” chưa đủ trình độ, năng lực theo đúng điều lệ công ty cũng như vi phạm nghiêm trọng về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì: “Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế”. Do đó, nếu người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chưa có bằng đại học thì chưa đủ trình độ theo quy định. Ngoài ra, cần xem xét về kinh nghiệm của người lãnh đạo điều hành trong lĩnh vực kinh doanh nói trên hoặc là trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế như Luật quy định. |
Hoàng Phan