Thảo luận về Dự án Luật khoáng sản sửa đổi chiều 23/7, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, xóa bỏ tình trạng xin cho, bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư để chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, hạn chế mua đi bán lại là việc làm hết sức cần thiết nhưng cần có qui định cụ thể để khả thi.
Thắt chặt việc thăm dò, khai thác khoáng sản là điều nên làm - ảnh minh họa |
Riêng việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều ý kiến nhưng nếu cấm thì không phù hợp. “Nên cho phép chuyển nhượng nhưng phải có điều kiện -phải là dự án đã qua đấu giá và có đầu tư nhất định trên địa bàn như đã làm đường vào khai thác, đền bù cho dân”, ông Lưu đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đặt vấn đề: nếu chuyển nhượng, nhà thầu được chọn có quan tâm đến năng lực của nhà thầu được chuyển nhượng mới hay chỉ quan tâm đến giá chuyển nhượng. “Như vậy sẽ rất nguy hiểm”, ông Thi nói và đề nghị có thể cho nhà thầu đó trả lại quyền khai thác thăm dò cho nhà nước và tính toán các chi phí.
Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế và Cơ quan soạn thảo cho rằng, về nguyên tắc dự thảo Luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn.
Do đó, đề nghị chỉ cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân có được thông qua đấu giá hoặc dự án đã có đầu tư nhất định trên thực địa. Đối với tổ chức, cá nhân khác có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa có đầu tư trên thực địa, nếu không tiếp tục thực hiện thăm dò, khai thác thì Nhà nước ra quyết định thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu và có năng lực thực sự.
Bình An