Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh
Đây là một trong những phương án đơn giản hóa thủ tục, quy định về khám bệnh, chữa bệnh đối với việc tiếp đón người bệnh tại Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nội dung liên quan đến việc khám, chữa bệnh cho người dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. Phương án này không chỉ giảm thiểu thủ tục hành chính trong ngành Y tế mà còn đề cao vai trò của số định danh cá nhân trong tương lai.
Nội dung phương án đơn giản hóa trên quy định, những người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh thay vì xuất trình thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động. Cơ sở đề xuất của phương án là trong số định danh cá nhân đã có các thông tin về người bệnh.
Mặt khác, để giảm thời gian chờ đợi của người đi khám bệnh và giúp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh không cần mang theo thẻ bảo hiểm cũng như giấy tờ tùy thân khác. Đối với nội dung này, để bảo đảm thực thi, cần sửa đổi Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cũng không phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh. Lý do chủ yếu là trong giấy chuyển tuyến đã có số thẻ bảo hiểm y tế của người được chuyển tuyến. Đồng thời, trong trường hợp trẻ sơ sinh cần phải điều trị ngay sau khi sinh ra mà chưa có giấy chứng sinh thì lãnh đạo cơ sở y tế hoặc người được lãnh đạo cơ sở y tế ủy quyền sẽ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán thay vì chỉ có thủ trưởng cơ sở y tế ký xác nhận mới hợp lệ như quy định hiện hành.
Không những thế, Quyết định 824 còn yêu cầu hủy bỏ một số thủ tục hành chính khác trong hoạt động bảo hiểm y tế như giấy hẹn tái khám, quy định tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh hoặc nhập viện…
CMND có giá trị đến hết năm 2019
Số định danh cá nhân đang ngày càng thể hiện vai trò của mình trong đơn giản hóa thủ tục hành chính. Số định danh cá nhân cấp cho trẻ khi đăng ký khai sinh được triển khai tại 4 TP là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Trẻ sơ sinh sau khi chào đời, có giấy chứng sinh sẽ được cấp số định danh cá nhân khi người dân đi đăng ký khai sinh. Ngoài ra, Công an 14 địa phương cũng đang tiến hành cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên. Số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân (thay cho CMND).
Tuy nhiên, để bảo đảm giá trị sử dụng của những giấy CMND được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (1/1/2016), tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch, Luật Căn cước công dân quy định đối với CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang Thẻ căn cước công dân.
Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; nhưng chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật.