Làm gì để “gỡ” khó cho bảo hiểm y tế toàn dân?

(PLO) - Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh to lớn đối với đời sống cộng đồng, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. 
Tăng chất lượng dịch vụ y tế, điều chỉnh điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình để hút người dân tham gia BHYT
Tăng chất lượng dịch vụ y tế, điều chỉnh điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình để hút người dân tham gia BHYT

Trong năm 2015, chỉ tiêu bao phủ BHYT đã vượt mức đề ra với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT và phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt được 90%. Nhưng để đạt được thành công đó cần nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia BHYT như tăng chất lượng các dịch vụ y tế, điều chỉnh điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình.

Khuyến khích người dân tham gia BHYT - chưa tạo được động lực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh, nâng cao tỉ lệ người dân tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng  gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm... Đây là một trong những việc làm quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội.

Mới đây, trong cuộc họp hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã cho biết: “Vấn đề phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT, thực hiện Luật BHXH sửa đổi, bổ sung thì năm 2015 đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT, đầu năm 2016 có 70,8 triệu người tham gia, tăng 0,83 triệu so với năm 2015 và đang nỗ lực mở rộng.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như BHXH Việt Nam chưa được giao đầy đủ trách nhiệm để đề xuất các cơ chế, chính sách; một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ cho các hộ cận nghèo mua BHYT theo Quyết định 1548 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ các hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, đối tượng học sinh, sinh viên…”.

Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế còn chậm và chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Chưa có giải pháp phù hợp để có thể khai thác triệt để và đảm bảo quyền lợi được tham gia BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình theo Nghị quyết 98/2015/QH13 cho các đối tượng sinh sống ở các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được xác định lại trong danh sách được phê duyệt theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 và Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 11/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tự thay đổi để “hút” BHYT

Để hoàn thành mục tiêu sớm bao phủ BHYT toàn dân, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, cần phải để BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách, chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu.

Đặc biệt, với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho phép các thành viên được tham gia ở các thời điểm khác nhau trong năm và có giảm trừ từ thành viên thứ hai. Với các đối tượng vùng bãi ngang, trong khi chờ trình Thủ tướng danh sách các xã vùng bãi ngang, cho phép tiếp tục bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này theo Quyết định trước đây. 

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, từ năm 2015, để thu hút người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp tăng chất lượng các dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện (BV), cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế...

Đặc biệt, ngành Y tế rất chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các BV trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến Trung ương có hành vi không đúng với người bệnh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai nhiều đề án xây dựng, nâng cấp nhiều BV tuyến Trung ương và địa phương, chuyển giao kỹ thuật cho BV vệ tinh, BV tuyến dưới để thực hiện nhiều kỹ thuật cao không phải chuyển lên tuyến trên như trong phẫu thuật nội soi, chấn thương chỉnh hình… Ngành Y tế cũng đã xây mới 200 trạm y tế xã ở những vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên..., triển khai mô hình bác sĩ gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đổi mới cơ chế tài chính, quy định thống nhất giá đổi mới tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh, trước mắt là hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật đối với người bệnh có thẻ BHYT, đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đến chính sách xã hội, người nghèo, vùng khó khăn, làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đồng thời từng bước thu hút thêm người dân tham gia BHYT...

Tổng chi phí thanh toán của quỹ BHYT năm 2012 là 31,1 nghìn tỷ đồng, đã tăng lên 41,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2014 và năm 2015 là khoảng 50 nghìn tỷ đồng, qua đó cho thấy người có thẻ BHYT đã tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế.

Đọc thêm