Tăng tính răn đe, phòng ngừa
Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ, Chính phủ cho biết: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trong thời gian qua, nhất là qua tổng kết thực thi Bộ luật Hình sự (BLHS) cho thấy hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Thêm vào đó, một trong những định hướng lớn của việc sửa đổi BLHS lần này là bảo đảm tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội theo hướng “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm”.
Theo đó, Dự thảo Bộ luật có nhiều khoản quy định hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính. Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.
Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước như Nhật, Đức, Pháp.
Theo loại ý kiến thứ hai thì cần phải cân nhắc hết sức thận trọng việc bổ sung quy định này, bởi đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn (từ không tù trở thành tù). Mặt khác, nếu chuyển đổi thì tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, đặc biệt là tỷ lệ chuyển phạt tiền thành phạt tù và trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi như thế nào cần phải được làm rõ.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa quy định này với quy định của BLHS về tội không chấp hành án và quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án cũng cần phải được làm rõ.
Theo Chính phủ, việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ có tác dụng góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Bộ luật thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất, theo đó, bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này.
Lo “khó khả thi”
Tuy nhiên, thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định việc chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù vì cho rằng quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như Dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất và tính hợp lý, sẽ khó bảo đảm tính công bằng.
Đơn cử, theo quy định tại Khoản 4 Điều 35 Dự thảo, người bị phạt tiền mức tối thiểu là 1 triệu đồng có thể bị quy đổi thành tù 3 tháng, trong khi người bị phạt 100 triệu đồng bị quy đổi thành tù 01 năm; người bị phạt tiền trên 100 triệu đồng có thể bị quy đổi thành tù 01 năm, người bị phạt 500 triệu có thể bị quy đổi thành tù 03 năm; trong khi đó, người bị phạt tiền mức 5 tỷ đồng chỉ có thể bị quy đổi thành 5 năm tù.
Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù.