Không có chuyện Thừa phát lại "tự tung, tự tác"

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã có 5 văn phòng thừa phát lại đi vào hoạt động

Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính dẫn đầu, ngày 26/8 đã có buổi làm việc với các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP.HCM nhằm triển khai các Thông tư hướng dẫn liên quan đến công tác thừa phát lại (TPL) cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình các Văn phòng TPL hoạt động thời gian qua.

• Chia sẻ địa bàn ký kết

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án cho biết: Trên cơ sở thỏa thuận với TAND, Cơ quan Thi hành án Dân sự, TPL được quyền tống đạt các văn bản bao gồm, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử; Bản án, quyết định trong trường hợp tòa án xét xử vắng mặt đương sự của TAND các cấp tại TP.HCM (trừ Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM); Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cục Thi hành án Dân sự và của các Chi cục Thi hành án Dân sự tại TP.HCM.

Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Thừa phát lại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh

Về Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL liên quan đến chi phí thực hiện công việc của TPL và chế độ tài chính đối với văn phòng TPL, Thông tư nêu chi phí tống đạt do ngân sách Nhà nước chi trả.

Cụ thể, Cơ quan Thi hành án Dân sự các cấp, TAND các cấp tại TP.HCM thỏa thuận với Văn phòng TPL về chi phí thực hiện tống đạt như: Trong phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở Tòa án, Cơ quan Thi hành án Dân sự là không quá 50 ngàn đồng/việc (bao gồm cả thuế GTGT). Ngoài phạm vi quận, huyện nơi đặt trụ sở Tòa án, Cơ quan Thi hành án Dân sự, nhưng trong địa bàn TP.HCM thì không quá 100 ngàn đồng/việc.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết giao TPL tống đạt ngoài địa bàn TP.HCM thì Tòa án, Cơ quan Thi hành án Dân sự phải xác định thời gian cụ thể để ký hợp đồng với Văn phòng TPL thực hiện việc tống đạt. Mức chi phí để thỏa thuận với TPL tống đạt trong trường hợp này gồm: Tiền tàu xe đi, về bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện mày bay); Tiền phòng nghỉ không quá 130 ngàn đồng/ngày; Tiền lưu trú không quá 70 ngàn đồng/người/ngày...

Liên quan đến việc ký hợp đồng tống đạt, đại diện TAND TP.HCM cho biết, cơ quan này dự kiến phân địa bàn (các quận, huyện) ra để ký hợp đồng với 5 Văn phòng TPL. Theo đó, mỗi Văn phòng TPL sẽ ký hợp đồng với một vài quận, huyện.

• Không có chuyện “tự tung, tự tác”

Một câu hỏi đặt ra, nếu Văn phòng TPL ở quận 5 mà thực hiện tống đạt ở các địa bàn khác thì việc kiểm sát việc tuân thủ pháp luật sẽ như thế nào?

Về vấn đề này, đại diện VKSND TP.HCM cho biết, cho dù TPL tống đạt ở đâu thì Cơ quan VKSND nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở sẽ kiểm sát hoạt động. Ý kiến này cũng được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khẳng định lại.

Thứ trưởng cho biết thêm: Chẳng hạn TPL tống đạt ở Bến Tre hoặc bất cứ nơi đâu thì VKS nơi có Văn phòng TPL đóng phải theo thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của mình. Không thể nói TPL tống đạt ở Bến Tre thì VKSND Bến Tre kiểm sát là không đúng.

VKSND chỉ kiểm sát việc tống đạt, tổ chức thi hành án chứ không kiểm sát việc lập vi bằng của các Văn phòng TPL. Được biết, hiện hầu hết Văn phòng TPL tại TP.HCM chủ yếu là lập vi bằng, chưa có báo cáo nào từ VKSND các quận, huyện “than” về khó khăn, vướng mắc gì.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khẳng định: Về việc lập vi bằng, phạm vi là không có giới hạn, theo đó các TPL được lập vi bằng trên toàn địa bàn TP.HCM. “Giá trị chứng cứ của vi bằng rất lớn, vì được pháp luật cho phép tạo dựng chứng cứ, nhằm phục vụ cho các vụ án và cho mọi quan hệ” - Thứ trưởng Chính nhấn mạnh. Về tống đạt: Một văn bản yêu cầu tống đạt là một việc, chứ không hiểu “một việc” của thi hành án dân sự là không đúng.Tổng Cục trưởng Thi hành án và Tòa án cần có “bàn tay” điều phối. Mà cụ thể ở đây là “bàn tay” của Cục trưởng và của Chánh án điều phối, không nên để họ tự tung tự tác, mà phải chỉ rõ Chi cục nào, Tòa án quận, huyện nào ký với Văn phòng nào phải làm cho rõ. Cạnh đó, giá tống đạt chưa nên áp dụng mức tối đa mà nên tính toán. Các bên cần thỏa thuận mức giá, bởi đây là câu chuyện của cả hàng nghìn việc chứ không phải vài việc.

Ngoài ra, Thứ trưởng nhắc nhở việc tống đạt là theo thỏa thuận nên việc gì cần mới nhờ TPL, chứ không phải việc gì cũng nhờ thì lấy đâu ra tiền để thanh toán.

Phong Trần

Đọc thêm