Cho ngoại lệ là dấu hiệu lợi ích nhóm
Như PLVN đã phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua liên tiếp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hai doanh nghiệp. Thứ nhất là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Thứ hai là Công ty CP Hàng không SkyViet.
Cả hai công ty này đều chưa đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Cụ thể, Công ty CP Hàng không SkyViet được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Vasco có dấu hiệu trái pháp luật, nghi thất thoát tài sản nhà nước hàng ngàn tỷ đồng song vẫn được Bộ GTVT "nôn nóng" đề xuất cấp phép để hoạt động.
Còn Vietstar Airlines thì có vấn đề về năng lực tài chính, thua lỗ kéo dài (báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy sau 5 năm hoạt động, Vietstar Airlines lỗ gần 50 tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 300 tỷ đồng), không đủ vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không, không có văn bản xác nhận vốn theo đúng quy định tại Nghị định số 30.
Bộ Tài chính tại văn bản số 5747 ngày 28/4/2016 khẳng định văn bản xác nhận vốn của Vietstar Airlines không hợp lệ và đúng quy định của pháp luật, đề nghị Bộ GTVT tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30/2013. Bộ này cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Người phát ngôn của Chính phủ, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/5 vừa qua cũng cho biết mặc dù Bộ GTVT đề xuất xin cấp phép cho Vietstar nhưng doanh nghiệp này chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp.
Cũng theo Người phát ngôn của Chính phủ, thì quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng: “việc xem xét, quyết định cấp GPKD vận chuyển HK cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại NĐ số 30/2013/NĐ-CP, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển Hàng không nội địa”.
Tuy nhiên, vẫn có "luồng ý kiến khác" cho rằng cần có sự linh hoạt trong cấp phép để thị trường hàng không cạnh tranh hơn.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico thẳng thắn "Một số lĩnh vực đặc thù như Hàng không thì không những không thể có ngoại lệ, phải tuân thủ đúng pháp luật mà còn cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn vì liên quan tới an toàn của hành khách, không khuyến khích phát triển ồ ạt dẫn tới buông lỏng quản lý"
Về quan điểm linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: "Linh hoạt cũng không thể linh hoạt trái quy định. Linh hoạt cho một vài trường hợp chính là lợi ích nhóm".
"Siết chặt là đúng"!
Đồng quan điểm này, trao đổi với báo giới, TS Trần Đình Bá cũng khẳng định việc siết chặt các quy định về cấp phép kinh doanh hàng không là đúng. "Đây là một ngành đặc thù , rất quan trọng đến quốc phòng, an ninh và vấn đề ngoại giao, kinh tế , khoa học công nghệ"
"Phát triển các hãng hàng không để khai thác tiềm năng hạ tầng hàng không là cần thiết song không thể ồ ạt theo kiểu “ đa cấp”, theo kiểu phát triển ồ ạt tàu biển , cảng biển, sân bay mà nền kinh tế phải trả giá. Đặc biệt ngành hàng không đang đối mặt với thua lỗ nặng nề, để lại gánh nợ nhiều tỷ USD cho Chính phủ mà không kém gì Vinashin, Vinalines", TS Trần Đình Bá khuyến nghị.
Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Ra-đa – Đại tá Trần Liên cũng từng lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt cho rằng "không thể cấp phép kinh doanh hàng không bằng mọi giá".
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng cần "loại" bỏ những quyết định mang tính chất lợi ích nhóm, không thể dễ dãi trong cấp phép kinh doanh hàng không.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức và các chuyên gia nói trên, theo Luật Hàng không dân dụng, quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HK dân dụng và đây là lúc Thủ tướng cần có những quyết định đúng đắn, tương tự như quyết định tạm dừng xem xét “siêu dự án”, xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện vừa qua.