Không có tư nhân, công nghiệp hóa sẽ "rùa bò"?

(PLO) - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, nếu không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ bị chậm…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
30 năm vẫn… “rùa bò”
Phát biểu tại Hội thảo “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035 Thực trạng và định hướng” vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS. Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống cơ chế, chính sách, tạo dựng thể chế mới nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH), tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp. 
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như việc thực hiện CNH-HĐH còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức; quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng rõ ràng, hiệu quả thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối; CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; tiêu chí cụ thể cho mục tiêu CNH-HĐH còn chưa toàn diện, đồng bộ; công nghiệp phát triển còn nặng về quy mô, chất lượng, hiệu quả còn thấp…
Đánh giá cao thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý phát triển công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, cụ thể: tốc độ tăng trưởng chậm; giá trị gia tăng vẫn ở mức thấp; phân bố không gian phát triển công nghiệp chưa hợp lý; năng suất lao động thấp, đặc biệt trong công nghiệp chế biến, chế tạo khi chúng ta vẫn chủ yếu tập trung vào gia công; đầu tư và kêu gọi đầu tư vẫn còn thiếu sự đồng bộ, thiếu sự gắn kết. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ ở mức thấp, tay nghề lao động chưa đáp ứng nhu cầu, sáng tạo trong lao động của chúng ta còn yếu… 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 20 hiệp định thương mại tự do được ký kết, đến năm 2024, hầu hết các dòng thuế của Việt Nam sẽ về 0%. Do vậy, để đưa ra được chính sách đúng cần phải nhận dạng đúng những cơ hội và thách thức. 
Đâu là trọng tâm?
Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, có ý kiến cho rằng Nhà nước phải bỏ thêm nhiều tiền đầu tư hơn nữa, nhưng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Nhà nước hiện không có nhiều tiền để đầu tư”. 
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách phát triển công nghiệp, nhưng không “đến đầu đến đũa”, nhiều chính sách đưa ra không hiệu quả mà tiền thì vẫn bị tiêu đi. Vì thế, tới đây cần phải chọn lọc hơn nữa, không được dàn trải như thời gian qua. Trường hợp cần có chính sách đặc biệt, doanh nghiệp (DN) phải đưa ra mô hình đầu tư thật sự cần hỗ trợ thì mới có thể có chính sách riêng. 
Trong đề xuất chính sách phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các chính sách cần nhất quán theo phương châm nguồn lực trong nước là quyết định, ngoài nước là quan trọng, trong đó lưu ý chính sách phát triển DN vừa và nhỏ. Chính sách công nghiệp hiện đại là nhắm tới xây dựng năng lực cho kinh tế tư nhân sản xuất ra những con người và DN có tính cạnh tranh cao…
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra các số liệu để chứng minh việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm công cụ chính cho chiến lược công nghiệp hóa là rất tốn kém và rủi ro. 
“Việc trợ cấp và bảo hộ cho DNNN không đơn thuần là để chống lại nguy cơ cạnh tranh của các DN và nhà đầu tư bên ngoài mà còn gây trở ngại và kìm hãm sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân trong nước. Rủi ro của tương lai đất nước sẽ rất lớn nếu như hầu hết nguồn lực dành cho DNNN nhưng khả năng thành công lại là bất định”- ông Thành khẳng định. 
Bà Victoria Kwakwa Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, lưu ý, Chính phủ Việt Nam phải có chính sách công nghiệp tốt, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển hóa về cơ cấu ngành, có cam kết thực sự cho khu vực tư nhân trong nước nổi lên, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm với những chính sách can thiệp gián tiếp theo chiều ngang. 
Không có khu vực tư nhân trong nước năng động, mạnh mẽ, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ rất chậm, điều này không thể trông vào khu vực nước ngoài…- bà Victoria Kwakwa khẳng định và cam kết WB sẽ hỗ trợ cho quá trình này…

Đọc thêm