Để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, rất cần Nhà nước xem xét, thí điểm cơ chế thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy hải sản và hoa quả Việt Nam qua Trung Quốc.
Tiềm năng rất lớn
Bốn tháng đầu năm 2015, tuy tiếp tục phát triển ổn định nhưng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; mức tăng trưởng chỉ tăng 2,14% so với mức 2,68% cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu Quảng Ngãi, thanh long Bình Thuận, hành tây Đà Lạt, hành tím Sóc Trăng… rơi vào thế “được mùa, mất giá” và khó tiêu thụ, đẩy người nông dân vào khó khăn. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, gần nửa năm rồi nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được 11 tỷ USD, bằng 1/3 năm 2014.
Trên diễn đàn của kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu đã đề nghị Chính phủ xem xét, thí điểm tại Cao Bằng cơ chế thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy hải sản và hoa quả Việt Nam qua Trung Quốc theo hợp đồng quốc tế qua các cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Long Bang (Bách Sắc, Quảng Tây).
Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng, nước ta có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác hết. Hiện đã xuất một số mặt hàng rau quả qua thị trường Mỹ,
Australia nhưng số lượng nhỏ, phải đáp ứng tiêu chuẩn cao, chi phí bảo quản, vận chuyển tốn kém. Trong khi đó, thị trường truyền thống như Trung Quốc có thuận lợi lớn khi có đường biên giới giữa hai nước trải dài qua 7 tỉnh phía Bắc với nhiều cặp cửa khẩu, điểm thông quan, lối mở thông thương, dễ dàng cho xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Điều đáng bàn là, giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ tập trung ở một số cửa khẩu quen thuộc, chủ yếu theo tập quán thương mại biên giới, thiếu tính ổn định, thiếu sự ràng buộc giữa các bên theo thông lệ quốc tế dẫn đến rủi ro cao.
Do đó, “để khai thác hết tiềm năng xuất khẩu nông sản giữa các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung, Chính phủ cần tạo thêm cơ chế, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại quốc tế; giúp đỡ các tỉnh biên giới khai thác hết tiềm năng giao dịch biên mậu, phục vụ cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam”.
Xin làm thí điểm
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, thí điểm tại Cao Bằng cơ chế nói trên qua các cửa khẩu Trà Lĩnh – Long Bang. Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây là cửa ngõ thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa thị trường Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Quảng Tây giữ vị trí quan trọng trong chiến lược “rau miền Nam vận chuyển lên miền Bắc” và “vườn rau sau nhà” của khu vực Hồng Kông, Quảng Đông; cung cấp nguồn hàng phong phú cho khu vực Hoa Bắc, tam giác Trường Giang, tam giác Chu Giang. Thành phố Bách Sắc cung cấp đến 30% tổng lượng hàng nông sản toàn Trung Quốc (đến 200 thành phố) và nhu cầu nhập khẩu nông sản bổ sung cho sản xuất nội địa của thành phố này là rất lớn.
“Sự hợp tác cung cấp rau quả cho Bách Sắc, Quảng Tây là hết sức khả quan nếu có cơ chế phù hợp. Đây cũng là giải pháp xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng biên, hầu hết là các hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn. Xa hơn là bước thử trong việc đàm phán ký kết FTA giữa Trung Quốc và ASEAN sau này”- đại biểu La Ngọc Thoáng đề nghị.
Được biết, Cao Bằng và thành phố Bách Sắc đã ký Thỏa thuận khung, bước đầu xây dựng cơ chế hợp tác trên nguyên tắc thành phố Bách Sắc có trách nhiệm tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam, đưa nông sản Việt Nam đến tiêu thụ ở các thị trường lớn nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhanh nhất, hiệu quả nhất; tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm tìm nguồn hàng chất lượng cao, phối hợp với địa phương trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam…