Mẹ lên báo hy vọng thức tỉnh đứa con tội lỗi

(PLO) - Sau 4 năm đi cai nghiện, người con trai trở về trong bộ dạng tiều tụy, nghiện ngập nặng hơn. Đau lòng hơn Sơn đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Người mẹ  nhất mưc xin được kể chuyện mình trên báo hy vọng thức tỉnh đứa con tội lỗi.
Bà Tuyết tha thiết muốn lên báo để gửi lời nhắn đến đứa con lầm lỗi
Bà Tuyết tha thiết muốn lên báo để gửi lời nhắn đến đứa con lầm lỗi
Gọi đến đường dây nóng báo Xa lộ Pháp luật, bà Phạm Thị Tuyết (SN 1953, ngụ Tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ câu chuyện về người con trai mà bà hết mực yêu thương trót sa vào con đường nghiện ngập.
Bà tha thiết đưa lời đề nghị:  “Con trai tôi rất thích đọc báo Xa lộ Pháp luật, mỗi tuần thứ Tư, thứ Bảy tôi đều phải mua cho con. Vì vậy tôi muốn được chia sẻ tâm sự chuyện gia đình mình, mong con trai đọc được bài báo, có thể hiểu, cảm nhận tình thương từ trái tim người mẹ, người cha và anh em đối với mình”. 
Bà Tuyết là cô gái gốc Hà Thành, nên duyên với chàng trai đất Củ Chi nên an cư lạc nghiệp ở đây nhiều nhiêu năm qua. Bà sinh được 3 người con. Hai người đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Còn người con trai út lại vướng vào nghiện ngập, nhiễm HIV. Tuy con lầm đường lạc lối, nhưng bà bảo đó là đứa con mình yêu thương nhất từ lúc sinh ra đến giờ. 
Nhiều năm trước, những ngày cậu con trai út tên Phạm Văn Sơn đang học lớp 9, bỗng được mời lên cơ quan công an làm việc, rồi buộc phải đi cai nghiện bắt buộc. 
Người mẹ như chết điếng, không thể chấp nhận được sự thật con trai mình dính vào chất độc chết người ấy. Bà cho rằng công an không thử nước tiểu, mà đưa con trai mình đi cai nghiện là không đúng. Người mẹ làm đơn thưa gởi khắp nơi, chỉ mong con trai được thả trở về đi học lại. Nhưng rồi càng đi bà càng tuyệt vọng, khi chẳng có hồi đáp.
Sau 4 năm mòn mỏi chờ đợi, người con trai trở về trong bộ dạng tiều tụy, nghiện ngập nặng hơn. Đau lòng hơn Sơn đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. 
Từ đây, những chuỗi ngày sống như địa ngục ập đến với gia đình bà. Biết mình bị bệnh nên Sơn đã tỏ ra buông xuôi, sống bê tha hơn. Thời gian đầu, mỗi ngày Sơn đều ngửa tay xin mẹ vài chục ngàn để lấy tiền hút chích. Người mẹ hiểu đưa tiền là đồng nghĩa với việc làm hại con, nhưng bà không còn sự lựa chọn nào khác. 
Vì mỗi khi nhìn thấy con lên cơn quằn quại, gào thét, người mẹ không kìm lòng được. Nhu cầu thuốc ngày một tăng lên, tới nay phải cần tới 600 - 700 ngàn/ngàn mới đủ cữ cho Sơn. 
Người mẹ già thuật lại cảnh tượng mỗi lần đứa con lên cơn: “Nó la hét, như bị “quỷ dữ” nhập vào làm mất hết nhân tính, không xem tình ruột thịt ra gì. Đồ đạc trong nhà cũng thưa dần, cái con đem đi bán, cái thì đập phá trong lúc lên cơn. Cái khung cửa kính trước nhà cũng bị đập lên đập xuống nhiều bận, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy số máy của gia đình là thợ kính lại hỏi “nhà bác lại vỡ cửa kính rồi à?””.
Thu nhập gia đình bà trông cậy hết vào đồng lương thương binh của người chồng, thêm vài ba triệu tiền cho thuê cho phòng trọ. Dẫu vậy cũng chẳng thấm vào đâu so với những cơn nghiện kéo dài của đứa con út. Nhiều khi không cáng đáng nổi, vợ chồng bà phải bấm bụng hỏi nhờ sự viện trợ của hai người con lớn.
Có lần Sơn lên cơn, hung dữ đòi mẹ tiền, nhưng bà Tuyết chẳng còn lấy một cắc đưa con, nên buồn bã nói: “Nhà chẳng còn gì, còn con gà mẹ nuôi sau nhà, con bắt đi bán rồi lấy tiền”. 
Đứa con nổi nóng, lao ngay ra sau nhà cầm cổ con gà quật một cái chết tươi. Bà mẹ mặt cắt không còn giọt máu, sợ hãi chạy sang nhà hàng xóm mượn tạm ít tiền cho con mua ma túy. 
Nhiều lần hai anh chị lớn la mắng đứa em nghiện ngập, người mẹ lại buồn phiền: “Các con nhìn em nó coi, có còn sống được bao lâu nữa đâu. Thôi thì những ngày cuối đời, mỗi người nhường nó một chút”.
Chồng bà Tuyết là thương binh, xuất thân từ người lính quen kỷ luật trên dưới, mỗi lần nghe con trai lên cơn chửi mắng, thậm chí vác dao dọa giết ba mẹ, ông đau lòng, cũng không biết làm gì hơn. Nhiều lần ông than thở, Tuyết sự với vợ: “Cứ sống thế này thà tôi giết nó rồi đi tù để giải thoát cho cả nhà, chứ nhìn nó thế này còn khổ hơn chết”.  
Chỉ vào thân hình chàng trai gầy đét còn rúm xương nằm co quắp trong góc giường, người mẹ nói nhỏ: “Những lúc không lên cơn, nó hiền lắm, người mẹ nào nhìn thấy con tiều tụy như vậy mà không đau lòng. Những lúc đó tôi nắm bàn tay của xương xẩu của nó mà ruột thắt lại, hai mẹ con nói chuyện rất nhiều, nó cũng hứa sẽ thay đổi. Nhưng rồi mỗi lúc nó lên cơn, nó như biến thành con người khác hẳn, cha mẹ cũng quên hết, những lúc như vậy nó chỉ cần có thuốc để thỏa mãn cơn nghiện”.
Người mẹ đau lòng: “Tôi có thể nhịn ăn nhịn mặc cho con. Tôi biết thời gian của con chẳng còn được dài nữa, chỉ mong được ở bên cạnh chăm sóc để con có những ngày tháng vui vẻ hạnh phúc. Qua bài báo, tôi chỉ muốn nhắn tới con trai: “Ba mẹ yêu con rất nhiều, mong con có nghị lực để có ctheer cai nghiện””./.