Không để người dân mất Tết

(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh chiều 4/2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với Quảng Ninh về phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với Quảng Ninh về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện chia sẻ, cái khó của tỉnh là dịch xảy ra trên diện rộng; lại liên quan đến các tỉnh bạn nên việc phối hợp trao đổi thông tin phòng chống dịch bệnh cũng có vướng mắc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác truy vết; bảo đảm sinh phẩm phục vụ xét nghiệm; trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch… Quảng Ninh đề nghị, Bộ Y tế xem xét hỗ trợ tỉnh về sinh phẩm, máy xét nghiệm, quần áo phòng chống dịch, khẩu trang N95…

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh hoàn toàn làm chủ tình hình, đã kiểm soát hoàn toàn ổ dịch ở Vân Đồn. Tỉnh quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, đồng thời đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, địa bàn lại có nguy cơ cao (đường biên giới, cửa khẩu,…), tỉnh Quảng Ninh xin phép Bộ Y tế được triển khai tổ chức xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP Hạ Long và Đông Triều để rà roát, đánh giá rủi ro và có giải pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.

Liên quan đến các đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, ngay trong chiều 4/2, Bộ Y tế cân đối hỗ trợ tỉnh máy X-Quang di động; máy xét nghiệm PCR; bơm tiêm điện; máy khử trùng; khẩu trang N95…

Về sinh phẩm xét nghiệm (test kit), trước mắt Bộ Y tế sẽ cung cấp cho Quảng Ninh một cơ số để bảo đảm nhu cầu ban đầu. Thứ trưởng Trương Quốc Cường đồng ý với đề xuất của địa phương là cần phải tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để khẩn trương tầm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc Quảng Ninh quyết liệt phòng chống dịch bệnh không chỉ là để người dân được đón Tết an lành, mà còn là biện pháp thiết thực giúp cho bà con nông dân, những người buôn bán nhỏ có cơ hội sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống. “Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào!” – Phó Thủ tướng trăn trở.

Về đề xuất mở rộng xét nghiệm đối với nhóm có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tán thành ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh các trường hợp tiếp xúc với nhiều người như lái xe, bán hàng tạp hóa, quán ăn, quán cà phê, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, đồng thời cũng phải để tâm đến cả những hộ gia đình cho thuê nhà ở tầng dưới bán hàng nhưng vẫn sinh hoạt ở các tầng trên.

Phó Thủ tướng lưu ý, đây không phải xét nghiệm toàn dân mà là tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, tinh thần phải lấy thật nhanh để xác định “bức tranh toàn cảnh”. Trên cơ sở đó sẽ có những giải pháp phù hợp tiếp theo bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Phó Thủ tướng đồng tình với phương châm của tỉnh Quảng Ninh là chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong tỏa, nhưng phong tỏa phải ở diện nhỏ nhất có thể vì còn liên quan đến đời sống của người dân. 

Bộ Y tế, WHO khuyến cáo đón Tết An toàn

Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam cũng gửi khuyến cáo đón Tết an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan tràn trên toàn cầu. Trong thông điệp của mình, Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam nêu rõ: “SỨC KHỎE là món quà quý nhất chúng ta có thể dành cho nhau trong dịp Tết này!”.

Mỗi người dân cần cân nhắc kỹ 3 CÂU HỎI khi lên kế hoạch cho dịp nghỉ Tết này: 1. Các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì?; 2. Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực bạn định ăn Tết như thế nào?; 3. Bạn hay người thân, bạn bè sẽ ăn Tết cùng nhau có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19?

Bộ Y tế và Văn phòng WHO khuyến cáo: “Hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch vào phút cuối nếu bạn hoặc những người ăn Tết cùng bạn bị ốm hoặc có thể đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19”.

Theo Bộ Y tế và Văn phòng WHO tại Việt Nam, để giảm tối đa nguy cơ mắc Covid-19 khi đi lại, người dân hãy cập nhật và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương về hạn chế đi lại và các khuyến cáo giữ an toàn; không đi lại nếu bị ốm hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trở lại đây; thực hành các biện pháp bảo vệ bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác.

Đọc thêm