Không được công nhận liệt sỹ vì hy sinh...chưa dũng cảm?!

Hơn 5 năm kể từ ngày anh Phạm Đức Ninh (Công an viên xã Phú Trung) hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ, vợ anh - chị Đoàn Thị Thương (SN1987, xã Phú Trung, Bù Gia Mập, Bình Phước) tất bật ngược xuôi gửi đơn đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng. Nhưng chỉ vì lý do “chưa dũng cảm” do Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) đưa ra nên nguyện vọng của chị không được giải quyết.

Hơn 5 năm kể từ ngày anh Phạm Đức Ninh (Công an viên xã Phú Trung) hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ, vợ anh - chị Đoàn Thị Thương (SN1987, xã Phú Trung, Bù Gia Mập, Bình Phước) tất bật ngược xuôi gửi đơn đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng. Nhưng chỉ vì lý do “chưa dũng cảm” do Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) đưa ra nên nguyện vọng của chị không được giải quyết.

Vợ và con gái anh Ninh vẫn kiên nhẫn cầm đơn xin chế độ liệt sĩ cho chồng

Hơn 5 năm một nguyện vọng

Sau nỗi đau người chồng vĩnh viễn ra đi trong lúc làm nhiệm vụ, chị Thương lại tất bật ngược xuôi kiến nghị các cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ cho anh. Thế nhưng, khi xét duyệt hồ sơ thì Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) cho rằng: Căn cứ Nghị định 54/2006/NĐ - CP của Chính phủ, thì hành động của chồng chị vẫn “chưa thể hiện sư dũng cảm” để xứng đáng được phong tặng danh hiệu này.

Hơn 5 năm về trước, chồng chị - anh Phạm Đức Ninh là công an viên xã Phú Trung. Để bảo vệ an ninh trật tự cho địa bàn trong dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, tối 23/6/2007, Ninh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường ĐH 312 (đoạn giáp ranh xã Phú Riềng đến Quốc lộ 14). Khoảng 21h cùng ngày, tổ tuần tra nhận được tin báo tại đám cưới một gia đình ở thôn Phú Bình có một tốp thanh niên đang chuẩn bị gây sự đánh nhau; Phó trưởng Công an xã Phú Trung cử anh Ninh xuống phối hợp với lực lượng của thôn nắm bắt, giải quyết tình hình.

Xuống đến nơi, anh Ninh cùng ông Ngô Văn Nho (SN 1964, ấp phó ấp Phú Bình) đến chỗ đám đông để hoà giải. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh phát hiện trong cốp một xe máy có dấu mã tấu liền kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của đối tượng, sau đó lập biên bản tịch thu tang vật, giao cho ông Nho trông giữ.

Trong khi đang lập biên bản, một đối tượng đi tới xin lại mã tấu. Do là hung khí nguy hiểm, anh Ninh kiên quyết không cho nên đối tượng gây sự rồi lao vào đánh ông Nho, để giật lại “hàng”. Nhận thấy đối tượng hung hãn anh Ninh lấy roi điện (công cụ hỗ trợ) để khống chế thì hắn bỏ chạy vào lô cao su gần đó rồi gọi thêm năm đối tượng khác quay lại trả thù.

Vạch xong kế hoạch, bọn chúng mỗi tên cầm 2 tô đựng mủ cao su bất ngờ quay lại tấn công  anh Ninh. Bị tấn công bất ngờ, đối tượng lại  hung hãn, anh Ninh cùng ông Nho phải chạy vào lô cao su hướng về chòi bảo vệ của Nông trường cao su Nghĩa Trung (Cty TNHH MTV cao su Sông Bé) gọi người hỗ trợ khi nhóm côn đồ vẫn bám đuổi sát sao. Trong lúc chạy anh Ninh vấp phải gốc cao su rồi té ngã liền bị chúng lao đến dùng tô cao su đánh tới tấp vào đầu khiến anh bất tỉnh tại chỗ. Dù được quần chúng kịp thời đưa đi cấp cứu, nhưng  do bị chấn thương sọ não, ngày 26/6/2007 anh đã tử vong.

Nỗi niềm vợ chiến sĩ

Dù các đối tượng sau đó đã bị pháp luật trừng trị, nhưng về phía anh Ninh đến nay vẫn không được công nhận là liệt sỹ. Trong căn nhà đơn sơ, ẩn khuất nơi vùng quê nghèo xã Phú Trung, chị Thương vẫn ở vậy một mình nuôi đứa con mồ côi và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Nhắc đến chồng, chị rưng rưng: “Anh ấy mất khi cháu bé mới 10 tháng tuổi, nay con tôi cũng đã vào lớp một, vậy nhưng đến nay anh ấy vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ”.

Về sự việc anh Ninh hi sinh khi trấn áp tội phạm, ngày 22/8/2007 UBND xã Nghĩa Trung và Công an huyện Phước Long (nay là Công an huyện Bù Gia Mập) nhanh chóng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chế độ liệt sĩ.

Hơn một năm sau, ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh Phạm Đức Ninh, hy sinh trong trường hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. Vậy nhưng khi xét duyệt hồ sơ thì Bộ LĐ-TB-XH lại cho rằng: Dựa theo hồ sơ bản án đem đối sánh với nội dung chỉ đạo của Nghị định 54/2006/NĐ - CP của Chính phủ, thì đồng chí Phạm Đức Ninh chưa xứng đáng được công nhận liệt sĩ.

Tâm sự với chúng tôi, cha anh Ninh buồn rầu nói: “Nếu con tôi không dũng cảm thì đâu có nhận lệnh xuống địa bàn để trấn áp tội phạm và như thế chắc chắn không chết oan ức như vậy. Hơn nữa, đâu phải trước đám côn đồ đằng đằng sát khí, cứ phải lao vào chống trả mới gọi là dũng cảm? Trong trường hợp con tôi bị bao vây đe dọa tính mạng, việc rút lui để tìm đồng đội, người dân hỗ trợ giúp đỡ, đó mới là mưu trí đối ứng với tội phạm trong khi làm nhiệm vụ. Vậy mà người ta bảo con tôi hi sinh chưa dũng cảm. Điều này có khác nào bảo con tôi là hèn nhát”

Ông Phạm Đức Thú thất vọng vì Cục Người có công cho rằng con ông hi sinh chưa dũng cảm

Đã rất nhiều lần đại diện cơ quan, đơn vị nơi anh Ninh công tác gửi đơn kiến nghị nhưng Cục Người có công vẫn phản hồi bằng công văn với nội dung như cũ. “Con tôi làm công an viên, phụ cấp mỗi tháng chỉ có vài trăm ngàn mà nó chưa bao giờ kêu ca, vẫn hết lòng vì nhiệm vụ. Bây giờ không may nó mất, tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết chế độ, bảo đảm sự công bằng để con tôi được thanh thản nơi chín suối”, người cha đau đáu .

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ cấp chính quyền cơ sở nơi anh Ninh công tác được biết, lúc còn sống ngoài làm công an viên anh Ninh còn là một Bí thư chi đoàn xã Nghĩa Trung luôn nhiệt huyết, năng nổ.

Nói về vụ việc “5 năm một nguyện vọng” trên, ông Đỗ Phước Long, Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung cũng tỏ ra rất bức xúc. Ông cho biết nhiều năm qua không chỉ người thân gia đình anh Ninh, mà UBND xã, các cấp hội, đoàn đã có tờ trình, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Ninh, vậy nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời thất vọng như trên.

Mới đây, đoàn cán bộ do Thượng tá Lê Đức Long, Trưởng Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an tỉnh Bình Phước cũng đã dẫn đầu đã về ấp Phú Bình, xã Phú Trung gặp gỡ bà con sở tại lấy ý kiến tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Ninh. Tại buổi gặp gỡ, bà con ấp Phú Bình, các cấp, các ngành đều cùng chung nguyện vọng mong muốn công nhận anh Ninh là liệt sĩ.

Thượng tá Lê Đức Long cho rằng, ngoài Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì Nghị định 40/1999/NĐ – CP và Nghị định 54/2006/NĐ - CP của phủ cũng quy định rất rõ: “Trưởng công an xã, phó trưởng công an xã, công an viên khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm làm công tác cấp bách, phục vụ quốc phòng, an ninh. Dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà bị hy sinh thì được xem xét công nhận là liệt sĩ”. 

Như vậy, việc Cục Người có công chỉ căn cứ vào bản án số 38/2009/HSST để cho rằng trường hợp của anh Ninh chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ là không thỏa đáng. “Sau khi lấy ý kiến của các ban, ngành và người dân, ngành công an chúng tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ và UBND tỉnh cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính Phủ sớm xem xét, công nhận đồng chí Ninh là liệt sĩ” - thượng tá Long nói.

Bảo Hằng

Đọc thêm