"Tôi đã đi tất cả các siêu thị để tham khảo, người tiêu dùng rất khổ. Mình bị bịp giá rất nhiều, không ít siêu thị vẫn mua hàng ở chợ cóc về đóng gói rồi bán với giá cắt cổ, mà nhiều khi bán cả cá ươn…”- Bà Trần Thị Sương- thành viên CLB người tiêu dùng nữ Hà Nội than phiền.
Cá ươn giá “cắt cổ”
Tại Hội thảo về hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (29/6), bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng mỹ phẩm cho hay, bà đã đi khảo sát một số cửa hàng, siêu thị trên phố Đội Cấn, Bà Triệu, Giảng Võ (Hà Nội)… và thấy ngập tràn mỹ phẩm giả, trương biển công khai, hoành tráng, bán với giá “cắt cổ” cả triệu đồng/1bộ.
“Thậm chí, tôi vào một số siêu thị cũng bán mỹ phẩm giả. Khi thắc mắc đại diện siêu thị nói họ chỉ quản lý hàng do siêu thị nhập, còn những cửa hàng thuê quầy hàng ở siêu thị thì họ không chịu trách nhiệm. Vậy khách hàng mua phải hàng giả kêu ai đây, ai chịu trách nhiệm khi xài phải hàng này …”- bà Trinh đặt vấn đề.
Còn bà Trần Thị Sương – thành viên CLB Người tiêu dùng nữ Hà Nội chia sẻ: “Tôi có “cả mớ” các loại thẻ của siêu th và rút ra, người tiêu dùng nên cảnh giác với hàng khuyến mại của siêu thị vì đó thường là hàng quá “đát” hoặc hàng không ra gì. Tôi đã đi tất cả các siêu thị để tham khảo, người tiêu dùng rất khổ. Mình bị bịp giá rất nhiều, không ít siêu thị vẫn mua hàng ở chợ cóc về đóng gói rồi bán với giá cắt cổ, mà nhiều khi bán cả cá ươn…”
Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin: “Không hiếm siêu thị “ghi nhầm”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh, như thịt gà đóng gói ghi 930 gam nhưng thực chất chỉ có 500 gam; giá áo sơ mi là 79 nghìn đồng nhưng tính tiền là hơn 104 nghìn đồng…”
Bênh vực “người nhà”, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội biện hộ, hiện mỗi siêu thị mỗi ngày doanh thu 5 - 8 tỉ đồng, nên trường hợp “cá ươn” chỉ là hy hữu. Ông Phú cho rằng, không thể phủ nhận chất lượng hàng hoá được bán trong siêu thị được đảm bảo hơn, không những thế khi xảy ra khiếu nại người tiêu dùng và cơ quan chức năng còn có thể thuận lợi hơn vì đang “nắm người có tóc”...
Khuyến khích người tiêu dùng khởi kiện
Theo số liệu năm 2009, hiện cả nước có 571 siêu thị, 95 trung tâm thương mại và 8.528 chợ. Trong đó, Hà Nội có 118 siêu thị, 13 trung tâm thương mại và 411 chợ. Tuy nhiên, sự sự bùng nổ của các hệ thống bán lẻ hiện đại ở các tỉnh, thành phố lớn vẫn chưa thể đáp ứng kịp với nhu cầu của thị trường đầy tiềm năng này.
“Xây dựng hệ thống bán lẻ văn minh, hiện đại không chỉ giúp ích cho các nhà sản xuất mà hơn cả là người tiêu dùng được lợi” – đến từ Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, ông Phạm Hữu Thìn nhấn mạnh. Các loại hình cửa hàng bán lẻ hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…) có lợi thế là được vận doanh theo chuỗi với mạng lưới ở khắp nơi mở ra một kênh phân phối rộng khắp cho các nhà sản xuất.
Đồng thời, với yêu cầu cao về chất lượng, số lượng lớn và đa dạng về mẫu mã, quy cách hàng hoá khi đưa vào kinh doanh, các loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại sẽ kích thích các nhà sản xuất thường xuyên đầu tư cải tiến chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã… để nâng cao tính cạnh tranh. Theo ông Thìn, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn (hoặc tiêu chí xác định), quy hoạch phát triển các loại hình cơ sở bán lẻ hiện đại.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết, hiện cơ quan đang xây dựng hai dự thảo nghị định: Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ Người tiêu dùng và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý, điểm mới của Luật bảo vệ Người tiêu dùng là cho phép trong một số trường hợp, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có quyền nhân danh người tiêu dùng khởi kiện, được miễn tạm ứng án phí, thậm chí, việc chứng minh lỗi thì người bị kiện cũng phải chứng minh. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện hàng giả, hàng nhái người tiêu dùng nên sử dụng các quyền của mình, trong đó có thể thông báo vụ việc tới Hội bảo vệ người tiêu dùng; Hội chống hàng giả, hàng nhái; Ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh và Chi cục Quản lý thị trường các địa phương.
Mai Hoa