Không khí độc ở Hà Nội đang tăng dần đều

(PLO) - Chưa kiểm soát được nguồn phát thải từ xe máy, công trường xây dựng, trong khi đó hệ thống ao hồ cũng bị ô nhiễm nặng khiến môi trường không khí Hà Nội trở nên ngột ngạt. Trong khi các giải pháp vẫn bị bỏ ngỏ.

Cứ ra đường là thấy ùn tắc và khói bụi

Nhiều người dân đã thốt lên như thế, nhưng do cuộc sống mưu sinh, không còn cách nào khác là phải “sống chung với lũ”. Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì ô nhiễm ở Hà Nội đang ở mức báo động. 

Số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc Môi trường - Tổng cục Môi trường cho thấy, thấy rằng chất lượng không khí chưa được cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Hiện nay nồng độ bụi ở Hà Nội trung bình cao hơn từ 2-3 lần so với tiêu chuẩn cho phép (TCCP), thuộc loại ô nhiễm nặng. Cục bộ ở những địa điểm có công trường xây dựng nồng độ bụi lớn hơn TCCP từ 3-7 lần, thuộc loại ô nhiễm rất nặng, đặc biệt, vào những ngày nắng nóng hoặc thời tiết hanh khô tại những “điểm đen” về ùn tắc giao thông, thiếu cây xanh, nhà cao tầng.

“Thủ phạm” đầu độc không khí kinh hoàng nhất là các phương tiện giao thông, lên đến 70%. Trong số khoảng hơn bốn triệu ô-tô, xe máy thì nhiều xe đã quá hạn sử dụng, cũ nát nhưng vẫn ngang nhiên lưu hành, cộng với các loại xe tự chế “uống xăng dầu như uống nước” đi đến đâu là xả khói làm cả phố mù mịt đang góp phần làm tăng lượng khí độc hại trong không khí cao lên gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép.

Vào những ngày nắng nóng, người dân không chỉ phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn phải “nếm mùi” ngột ngạt, khó chịu từ chính phương tiện giao thông của mình và người khác phả ra. 

Thứ hai là những công trình xây dựng với tốc độ… rùa, không được che chắn kỹ; những con phố, vỉa hè bị “đào lên rồi bỏ đó”; những chiếc xe tải cồng kềnh chở phế thải xây dựng, đất đá quá trọng tải làm rơi vãi ra đường đều làm những con phố sạch sẽ trở nên bụi mù mịt. Đó là chưa kể đến một loại ô nhiễm khác, chính là hệ thống ao hồ. Nhiều năm qua, hệ thống ao hồ được xác định là ô nhiễm nặng, càng làm tăng mức độ ngột ngạt.

Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường cho biết: “Xét về bản chất vật lý, hóa học và cơ học thì có thể chia làm hai loại chất ô nhiễm không khí, đó là các hạt bụi (PM10, PM5, PM2.5 và các hạt bụi silic) và các khí ô nhiễm như SO2, NOx, CO, VOCs (hơi xăng dầu, sơn, véc ni, axethon, ethylaxetat, toluen…), khói thuốc lá, H2S, Clo, Flo…Biến thiên ô nhiễm không khí theo giờ trong ngày ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có dạng cực đại vào các giờ giao thông cao điểm buổi sáng (8-9 giờ) và buổi chiều (17-18 giờ), cực tiểu vào giờ trưa và ban đêm. Riêng ở Hà Nội, ước tính lượng khí CO2 sẽ tăng từ 600 nghìn tấn năm 2005, lên 1.400 nghìn tấn năm 2020. Trong khi lượng khí SO2 tăng từ 1.500 tấn năm 2005, lên 2.200 tấn vào năm 2010 và 4.000 tấn vào năm 2020”.

Nhiều bác sĩ cho rằng, sống và làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp và bị trầm trọng thêm các bệnh về tim mạch và các bệnh về thần kinh. Con người hít thở lâu dài các khí và bụi độc hại trong không khí có thể bị bệnh ung thư, các bệnh hiểm nghèo và dẫn đến tử vong sớm. Hít thở lâu dài không khí có bụi silic thì sẽ bị bệnh bụi phổi. Hạt bụi càng nhỏ bé càng đi sâu vào các phế nang của phổi càng có tác dụng xấu đối với hệ thống hô hấp của con người và càng gây tác động xấu đối với sức khỏe con người.

Quản lý chất lượng không khí từ khâu xã, phường

Thời gian qua, có một số thông tin theo số liệu quan trắc thu được tại trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặt tại vị trí nhà 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, có cảnh báo ô nhiễm không khí và qua quan trắc phát hiện thủy ngân có trong 

không khí. Từ đó kết luận ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội ở mức nguy hiểm là không chính xác. Do số liệu quan trắc được nêu ra có tính chất cá biệt (chỉ có trạm quan trắc tự động tại 01 địa điểm ở Nguyễn Văn Cừ). Số liệu quan trắc của trạm này chỉ có giá trị tại khu vực xung quanh vị trí đặt trạm, không thể là cơ sở để đánh giá chất lượng không khí xung quanh của toàn bộ Hà Nội nói chung. Song, nói gì thì nói, đó cũng là điều cần các cơ quan chức năng phải rốt ráo hơn nữa trong kiểm soát ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí đã được đặt ra ở nhiều cuộc hội thảo, nhưng xem ra Hà Nội vẫn đang rất khó khăn và lúng túng trong việc xử lý căn bệnh trầm kha này. Rất nhiều diễn đàn cho rằng, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, Hà Nội như một công trường đang xây dựng dở dang và là một trong những thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng. Thêm nữa, diện tích cây xanh ở Hà Nội cũng đang bị thu hẹp từng ngày, nhà cao tầng với những khối bê tông to tướng lạnh lùng mọc lên ngày càng nhiều và làm tăng thêm sự ngột ngạt cho cảnh quan, môi trường. 

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm, UBND TP Hà Nội đang xem xét để ban hành kế hoạch chống ồn, bụi trên địa bàn với rất nhiều mục tiêu, như ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững.

Cùng với đó, thành phố cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, như hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh bụi, phát tán bụi, thành phố cũng ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định theo quy hoạch được duyệt; đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tạo được một cơ chế liên ngành giữa các đơn vị chức năng, để các bên chia sẻ thông tin, bắt tay hành động, đưa ra những giải pháp cụ thể. Trước hết, các bên phối hợp tập trung xây dựng các trạm quan trắc không khí đã bị hư hỏng. Đó là phương tiện đưa ra chính xác các chỉ số để đo đếm, bắt bệnh môi trường.

Nhìn rộng ra, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiến hành định kỳ kiểm tra quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, cấm lưu hành đối với các xe không đáp ứng yêu cầu. Tiếp đó, giao cho các phường, quận kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt nguồn thải bụi từ hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu, các xe vận chuyển thường vi phạm quy định.

Hy vọng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, bầu không khí của Thủ đô sớm được cải thiện, giúp cho chất lượng cư dân đô thị được tốt hơn.

Đọc thêm