Không kỷ luật được Quốc hội khi quyết chủ trương đầu tư sai

(PLO) - Dự thảo Luật đầu tư công qui định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với người quyết định chủ trương và tổ chức, cá nhân liên quan đến lập, thẩm định dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả 
Sáng nay (11/4), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đối với các dự án, đầu tư sai, kém hiệu quả để không còn tình trạng "cứ có dự án, hiệu quả tính sau làm tiêu hao nguồn lực nhà nước" như hiện nay.
Góp ý vào qui định xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi quyết định, lập, thẩm định dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả trong dự thảo Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, "QH có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của nhiều dự án nhưng không thể đem cả QH ra kỷ luật khi quyết định chủ trương đầu tư sai". 
Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, QH làm việc theo nguyên tắc tập thể, chủ trương đầu tư được quyết dựa trên số phiếu của đa số đại biểu nên càng không thể kỷ luật cá nhân nào. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Không phải dự án nào cũng "đòi" Quốc hội phê duyệt"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Không phải dự án nào
cũng "đòi" Quốc hội phê duyệt" 
Để tránh cho những sai sót không đáng có trong quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch QH cho rằng, không phải dự án nào cũng "đòi"
 QH quyết định. Theo cách làm hiện nay, QH đang lấn sang trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong quyết định đầu tư nên dự thảo Luật cần thể qui định, QH không phê duyệt quá cụ thể về dự án đầu tư mà chỉ phê duyệt chủ trương đầu tư còn các vấn đề cụ thể để cơ quan hành pháp quyết.
Đại biểu Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) phản ánh, qui định pháp luật hiện hành không xác định được trách nhiệm cá nhân nên đang tạo điều kiện dẫn đến tình trạng "chạy", "nghiện", thích dự án còn kết quả thì “hạ hồi phân giải” làm tiêu hao nguồn lực nhà nước. 
Cùng mối quan tâm, đại biểu Đồng Hữu Mạo (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, nếu dự thảo Luật Đầu tư công  không có qui định cụ thể về đánh giá hiệu quả công trình thì vẫn sẽ còn những công trình đầu tư công lãng phí.
Cũng theo các đại biểu, dự thảo Luật đầu tư công phải có những chế tài "đủ sức để những người có định làm sai phải “chùn tay” như cắt nguồn vốn đầu tư trong 1-2 năm tiếp theo đối với những địa phương quyết định đầu tư sai, kém hiệu quả, qui định trách nhiệm đánh giá hiệu quả công trình đầu tư công, tăng cường hoạt động theo dõi, giám sát của xã hội đối với các dự án đầu tư công...

Đọc thêm