Không lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu cá không được ra khơi

(PLVN) - Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, sau ngày 1/4/2020, các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nếu chưa lắp đặt máy giám sát hành trình thì cơ quan chức năng của các tỉnh sẽ kiên quyết không cho phép xuất bến ra khơi khai thác thủy sản.
Hiện vẫn còn nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Hiện vẫn còn nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị 

Việc lắp thiết bị tàu cá là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của chủ tàu, đã được quy định rõ trong Luật Thủy sản số 18/2017/QH15; Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Còn Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không trang bị thiết bị thông tin liên lạc theo quy định.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa tháng 12/2019, cả nước mới có 4.876/28.923 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (chiếm 16,8%). 

Mấy tháng qua, để đảm bảo tiến độ theo lộ trình, các cơ quan chức năng và chủ phương tiện tàu cá các tỉnh đang “chạy đua” với thời gian trong việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên đến thời điểm này, dù chỉ còn một ngày nữa là hết hạn, tiến độ lắp đặt tại các tỉnh vẫn chậm, chưa đáp ứng với yêu cầu, lộ trình đã đề ra.

Bình Định là địa phương đi đầu trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Tuy vậy, việc lắp đặt đến nay vẫn chưa hoàn tất. Là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất nước với hơn 6.000 phương tiện, Bình Định có trên 3.100 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/4.

Đến thời điểm này, tỉnh có hơn 2.300 trong tổng số 3.135 tàu cá dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 710 chủ tàu cá đã đăng ký và cam kết sẽ lắp đặt thiết bị này trước ngày 1/4/2020, còn lại 107 chủ tàu không lắp đặt thiết bị buộc phải ký cam kết không khai thác.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 3.350 tàu đánh cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, tỷ lệ tàu lắp thiết bị đạt rất thấp. Tương tự, Bình Thuận với 1.834 tàu cá thuộc đối tượng lắp thiết bị giám sát hành trình phải hoàn thành trước ngày 1/4/2020 nhưng số tàu đã lắp đặt thiết bị không nhiều. Dù số lượng tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m chỉ 363 chiếc nhưng Quảng Trị cũng không thể đáp ứng được yêu cầu, lộ trình.

Kiên Giang đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hơn 3.200 tàu cá, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công tác tổ chức triển khai, cũng như có số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhiều nhất trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện có hơn 1.000 tàu cá của tỉnh Kiên Giang đang bị mất kết nối với hệ thống giám sát, trong đó 75% là do các nhà mạng ngắt kết nối do chưa đóng phí.

Quyết liệt xử lý

 Để đẩy nhanh tốc độ lắp đặt thiết bị, nhiều địa phương đã hỗ trợ chủ tàu chi phí lắp đặt. Hà Tĩnh đã hỗ trợ một lần 70% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá (máy mới) cho tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tối đa không quá 20 triệu đồng/thiết bị. Thiết bị được hỗ trợ phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 50% giá trị thiết bị để động viên ngư dân lắp đặt đúng tiến độ mà luật quy định. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh này có 3.300 tàu thì việc hỗ trợ 50% thiết bị giám sát này là trên 33 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp tài trợ cũng như của tỉnh. Cái khó về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hiện nay đối với Bình Định vẫn là thời gian khi mà thời hạn đã hết. 

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, theo đúng lộ trình, nếu sau thời hạn 1/4/2020, tàu cá nào không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị rút giấy phép khai thác. “Từ nay đến ngày 1/4/2020, nếu chủ tàu nào không lắp thiết bị giám sát hành trình thì tỉnh không hỗ trợ, tôi yêu cầu Sở NN&PTNT rút giấy phép ngay. Tôi cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo cho quyết liệt, tất cả các tàu cá mà không đăng ký, đăng kiểm, không có thuyền trưởng, máy trưởng dứt khoát báo cho Sở NN&PTNT xóa tên”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định: “Sau ngày 1/4/2020, những tàu cá từ 15m trở lên không có thiết bị giám sát hành trình sẽ không được cấp giấy phép khai thác và không cho ra khơi”.

Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải hoàn thành xong trước ngày 1/4/2020. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng xóa “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). 

Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát còn nhiều. Nguyên nhân do hoạt động khai thác thủy sản gặp khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp như nguồn nhân lực lao động biển khan hiếm, sản lượng và giá cả sản phẩm thấp… nên nhiều chủ tàu neo bờ, chờ bán tàu.

Một số khác do kinh tế khó khăn nên không lắp đặt thiết bị vì phát sinh nhiều chi phí và muốn địa phương hỗ trợ. Bên cạnh đó, tập quán ngư dân từ nghề cá trước đây hoạt động tự phát, không muốn bị giám sát.

Đọc thêm