Không phải là chủ đầu tư dự án nhà giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng (Long Biên –Hà Nội), nhưng Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng – xuất nhập khẩu Hồng Hà (Cty Hồng Hà) vẫn đứng ra huy động vốn góp, chiếm dụng hàng tỷ đồng của người dân.
Người nộp tiền đòi Cty Hồng Hà trả lại tiền góp vốn |
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Vũ Duy Thông, một người dân “góp vốn” với Cty Hồng Hà cho biết, khoảng tháng 5/2011, ông thấy trên mạng Internet xuất hiện nhiều quảng cáo về việc bán nhà thuộc dự án giãn dân phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư. Đơn vị đứng ra “chào bán” là Cty Hồng Hà, với tư cách là đơn vị được UBND quận Hoàn Kiếm giao “thu xếp vốn” để thực hiện dự án.
Với mong muốn có một căn hộ để ở, ông Thông tìm đến Cty Hồng Hà. Ngày 21/6/2011, ông được Cty Hồng Hà ký hợp đồng góp vốn với trị giá 1 tỷ 160 triệu đồng. Theo bản hợp đồng góp vốn này, ngay sau khi khởi công và có đủ điều kiện để mua bán, ông Thông sẽ được mua một căn hộ trong dự án. Ngay khi ký hợp đồng, ông Thông đã nộp cho Cty Hồng Hà 580 triệu đồng; Cty này cam kết, trong Quý 3/2011 mà không khởi công dự án thì bên góp vốn có quyền chấm dứt hợp đồng, nhận lại tiền cộng với 3% giá trị vốn góp.
Tuy nhiên, hết cả năm 2011, Cty Hồng Hà không “khởi công” dự án. Vì thế, ông Thông cùng hàng chục người góp vốn khác đã yêu cầu Cty trả lại tiền. Tuy nhiên, những người góp vốn chỉ nhận được lời hứa sẽ khởi công mà không nhận được tiền. Nghi ngờ Cty Hồng Hà gian dối, ông Thông tìm hiểu kỹ thì được biết, Cty Hồng Hà đã huy động vốn trái pháp luật và chiếm dụng tài sản của nhiều người.
Vì vậy, liên tục từ tháng 5/2012 đến nay, ông Thông cùng những người “góp vốn” thực hiện dự án liên tục đến gặp đại diện Cty Hồng Hà để đòi lại tiền vốn góp. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty đã lẩn tránh, không chịu gặp mặt hoặc cam kết trả lại tiền cho những người đã trót tin tưởng vào Cty này. Mới đây nhất, ngày10/9/2012, hàng chục người dân tiếp tục “bao vây” trụ sở của Cty để yêu cầu trả tiền, song chỉ có… bảo vệ Cty tiếp mà không thấy bóng dáng các lãnh đạo của Cty này.
Việc Cty Hồng Hà huy động vốn góp của nhiều người dân rồi không thực hiện dự án, cũng không trả tiền cho người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tìm hiểu về sự việc này, chúng tôi được biết dự án giãn dân phố cổ do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho Cty Cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội thu xếp vốn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, Cty này đã có công văn xin “chuyển tên nhà đầu tư” cho Cty Hồng Hà.
Ngày 5/11/2009, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định chấp thuận cho “đổi tên nhà đầu tư” để Cty Hồng Hà thế chỗ đơn vị cũ thực hiện việc nghiên cứu, triển khai dự án. Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm cũng chấp thuận về nguyên tắc cho phép Cty Hồng Hà được kinh doanh 15% quỹ nhà của dự án và ưu đãi 50 căn hộ cho cán bộ, nhân viên Cty.
Khi chủ trương trên được ban hành thì trên mạng Internet đã xuất hiện nhiều quảng cáo “bán nhà trên giấy” của dự án. Vì thế, Ngày 22/4/2011, UBND quận Hoàn Kiếm có Công văn số 295 gửi Cty Hồng Hà, yêu cầu chấm dứt việc quảng cáo bán “nhà trên giấy” của dự án nhà giãn dân phố cổ. Trong văn bản này, UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà trong dự án đều trái pháp luật, đồng thời hủy bỏ công văn có nội dung “ưu đãi” cho Cty Hồng Hà. Thời điểm này, dự án vẫn chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Thế nhưng, ngay sau khi UBND quận Hoàn Kiếm thông báo hủy bỏ nội dung cho Cty Hồng Hà kinh doanh 15% quỹ nhà của dự án, Cty này vẫn ký hợp đồng góp vốn với ông Thông và nhiều người khác, thu tiền để thực hiện dự án. Thực tế, thời điểm Cty Hồng Hà ký hợp đồng góp vốn với ông Thông, Cty này chưa có tư cách và điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật. Việc không được phép huy động vốn nhưng vẫn ký hợp đồng, khi sự việc vỡ lở lại không trả tiền lại cho người dân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân.
Để làm rõ hơn vi phạm của Cty Hồng Hà trong việc huy động vốn của hàng chục người để thực hiện dự án nhà giãn dân phố cổ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý về vấn đề này: Thưa ông, khi nào một doanh nghiệp được phép ký hợp đồng huy động vốn để thực hiện dự án nhà ở? - Theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở kinh doanh, nhà ở xã hội chỉ được phép huy động vốn góp nếu là chủ đầu tư dự án, kể cả chủ đầu tư cấp 1 và cấp 2. Trường hợp chủ đầu tư cấp 1 và cấp 2 huy động vốn theo hình thức trả lợi nhuận bằng sản phẩm thì chỉ được ký hợp đồng khi dự án đã được phê duyệt và đã thực hiện việc khởi công. Với quy định trên thì việc huy động vốn góp khi dự án chưa được phê duyệt, chưa khởi công là trái pháp luật. Hậu quả của việc huy động vốn trái pháp luật này phải xử lý như thế nào, thưa ông? - Theo quy định của pháp luật thì trường hợp này thì hợp đồng góp vốn bị vô hiệu hoàn toàn do vi phạm điều cấm của pháp luật, Cty Hồng Hà phải hoàn trả toàn bộ tiền vốn góp đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Nhưng, tôi cho rằng, cần phải xem xét việc Cty Hồng Hà trốn tránh, không trả lại tiền cho khách hàng với việc huy động vốn trái pháp luật. Nếu thời điểm đó, việc quảng cáo khiến người dân tin tưởng là Cty là chủ dự án, đang thực hiện dự án đúng pháp luật nên mới góp vốn và sau khi nhận vốn góp đã sử dụng vốn vào mục đích khác, đến nay không trả tiền cho người dân thì đây có dấu hiệu của hành vi xâm phạm quyền sở hữu, có tính chất chiếm đoạt, là vi phạm pháp luật hình sự. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh