“Không thầy đố mày làm nên”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay, 20/11, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo và cũng là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày hội tôn vinh những người dạy học, những người trong ngành Giáo dục.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với quốc tế, nǎm 1949, Liên Hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục (FISE) đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo”. Năm 1957, tại Thủ đô của Ba Lan, TP Warszawa, Hội nghị quốc tế của FISE đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Đối với Việt Nam, ngày 26/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định 167/HĐBT, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nhắc lại các mốc thời gian để nhớ rằng, 20/11 không chỉ có ý nghĩa ngày hội trong nước, mà còn có ý nghĩa quốc tế.

Trong đời ai cũng có những thầy, cô giáo. “Tôn sư trọng đạo” trở thành một thành tố của đạo lý, văn hóa Việt Nam. Hơn một tuần qua, nhiều hoạt động tri ân, tôn vinh nhà giáo đã được tổ chức trong đời sống, được đưa tin rộng khắp trên báo chí và mạng xã hội. Thực sự là một không khí lễ hội. Trong các hoạt động, có sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu vào chiều 17/11.

Chúng ta đã có nhiều thành tựu, từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đào tào cao học... Những kết quả này có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo, là những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức để “bám trường, bám lớp”, hết mình truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tư duy, đạo đức nhằm phát triển toàn diện thế hệ tương lai của đất nước.

Dù còn nhiều vấn đề đặt ra, từ luật pháp, chính sách, đãi ngộ giáo viên đến cụ thể như giáo trình, nội dung, thi cử, chỗ thừa, chỗ thiếu giáo viên… Cá biệt có giáo viên sa sút phẩm chất, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường; tuy nhiên, phần lớn là những tấm gương thầy, cô giáo đáng kính trọng; bền bỉ “gùi” con chữ lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo.

Ngay trong dịp mưa lớn ở miền Trung, có những thầy, cô giáo bất chấp nguy hiểm, lao mình ra dòng nước cứu người (Thừa Thiên Huế), cõng đồng nghiệp qua suối để kịp đến trường (Quảng Trị)...

Cuộc sống không dừng lại, nhu cầu học tập ngày càng cao. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là với đội ngũ nhà giáo. Khó có lựa chọn nào hơn ngoài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Cổ nhân dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Phải học và hành, phải học và hỏi. Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt.

Ngày tôn vinh nghề giáo, cũng là ngày Nhà nước, Nhà giáo và cả xã hội thấy rõ hơn trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người” vì tương lai của đất nước thời kỳ kinh tế tri thức.

Đọc thêm