Không thể chỉ “kiểm điểm” là xong

Thanh tra Hà Nội vừa có cuộc thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội) giai đoạn 2007-2009. Kết quả cho thấy, trong 9 công trình do UBND huyện này làm chủ đầu tư, có hơn 7,5 tỷ đồng bị nghiệm thu, thanh toán sai hoặc khống.

Thanh tra Hà Nội vừa có cuộc thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng tại huyện Ứng Hoà (Hà Nội) giai đoạn 2007-2009. Kết quả cho thấy, trong 9 công trình do UBND huyện này làm chủ đầu tư, đã có hơn 7,5 tỷ đồng bị nghiệm thu, thanh toán sai hoặc khống.

Như vậy, nếu không bị phát hiện thì đã có hàng tỷ đồng của Nhà nước chảy vào túi “cá nhân”. Thực chất, những công trình này đều bị rút ruột và có dấu hiệu tham những. “Kiểm điểm hành chính” trong vụ viêc này có đúng tính chất vi phạm?.

Lớn - “rút” lớn

Do điều kiện thời gian nên Đoàn thanh tra chưa kiểm tra được công tác đền bù, GPMB. Nhưng chỉ trong việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán của 9 công trình mà UBND huyện Ứng Hoà làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra đã phát hiện sai phạm lên tới hơn 7,5 tỷ đồng. Trong đó, một phần tiền đã nằm trong túi các đơn vị thi công nên bị kiến nghị thu hồi cho ngân sách.

Chợ Trung tâm đầu mối nông sản thị trần Vân Đình- một trong số những công trình bị nghiệm thu khống.

Số tiền còn lại, chủ đầu tư chưa kịp thanh toán cho bên B nên sẽ bị giảm trừ khối lượng nghiệm thu hoặc đơn vị thi công sẽ phải “làm bù” theo thiết kế.

Giữ kỷ lục về số vốn đầu tư và nghiệm thu sai là Công trình Hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Thương mại (TTDVTM) và Nhà ở thị trấn (TT) Vân Đình. Công trình này có số vốn là hơn 84 tỷ đồng nhưng đã có gần 5,5 tỷ đồng giá trị khối lượng bị nghiệm thu vượt so với dự toán, nghiệm thu không đúng thực tế, đắp nền không đủ chiều dày.

Công trình đứng thứ 2 về giá trị bị nghiệm thu khống là “Chợ Trung tâm đầu mối nông sản thị trấn Vân Đình”, phải giảm trừ hơn 877 triệu đồng do tính giá bù vật liệu không đúng, không thi công phào kép sê nô mái và nhiệm thu không đúng diện tích hoa sắt cửa sổ…

Việc “rút ruột” công trình xuất hiện đa dạng, ở nhiều các hạng mục khác nhau nhưng đều có điểm chung là, đã được nghiệm thu và chỉ chờ… quyết toán. Đường đi thì bị “rút” bằng cách nghiệm thu tăng chiều dài so với thực tế; Nghiệm thu tăng khối lượng, tăng chiều dày đất đào đắp, tăng số lượng cọc tre; Tính sai đơn giá vật liệu…

Ngoài nguy cơ bị thất thoát do nghiệm thu khống thì trong những dự án trên, ngân sách Nhà nước đã “suýt mất” gần 1 tỷ đồng vì …“tính toán sai về số học”. Có công trình bị “tính toán sai” hàng trăm triệu như: Công trình hạ tầng kỹ thuật TTDVTM và Nhà ở TT Vân Đình (588 triệu); Công trình xử lý khẩn cấp kè chống sạt sở bờ sông Đáy (146 triệu)… Điều khó hiểu ở chỗ, trong những “tính toán sai” này về số học này thì đơn vị thi công đều là người được lợi, phần thiệt thuộc về …Nhà nước.

Bé - “rút” bé

Ngoài các công trình “cấp huyện” thì đoàn thanh tra cũng đã phát hiện tại 13 công trình do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư có 478 triệu đồng bị nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai. Điển hình là việc nghiệm thu khống hơn 31 triệu đồng của công trình hệ thống cấp nước cơ sở 2, TT Vân Đình; 40 triệu đồng tại công trình nhà làm việc và hội trường UBND TT Vân Đình; 68 triệu tại ông trình Trường mầm non thôn Thượng, xã Phù Lưu… 

Hiện, 13 công trình nêu trên đều đã được đưa vào sử dụng nhưng chỉ có 3 công trình được phê duyệt quyết toán. Trong đó, công trình đường vào xã Đại Cường, tuy đã được phê duyệt quyết toán và thanh toán nhưng bị phát hiện nghiệm thu khống gần 60 triệu đồng và trả thừa 30 triệu đồng…

Như vậy, với 25 công trình, cơ quan thanh tra đã phát hiện và loại khỏi giá trị nghiệm thu, quyết toán hơn 8,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phần xử lý hành chính, người ta lại thấy những “kiến nghị” xử lý các đơn vị liên quan khá nhẹ nhàng như: “cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý”; “cần kiểm điểm trong công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát…”.

Các đơn vị thi công chỉ bị kiến nghị về mặt kinh tế trong việc thu hồi tiền hoặc giảm trừ giá trị quyết toán. Như vậy thì chỉ đồng nghĩa với việc, nghiệm thu khống, thanh toán khống nhưng trả lại tiền là… “hoà cả làng”.

Trong những công trình trên, giả sử đơn vị thi công có “tự nguyện” làm bù khối lượng còn thiếu hoặc trả lại tiền hoặc chấp nhận giảm trừ giá trị thanh toán thì lấy gì để đảm bảo việc “rút ruột” trước đó không ảnh hưởng đến chất lượng công trình? Đơn cử như việc cáp điện cấp cho công trình không đúng thiết kế, san nền không đúng chủng loại vật liệu, lắp ống nước không đúng chủng loại thiết kế…thì sẽ được xử lý ra sao?

Một vấn đề khác cũng không thấy được đề cập tới là động cơ, mục đích của việc nghiệm thu khống, thanh toán sai hơn 8,4 tỷ đồng nêu trên là gì? Ngân sách Nhà nước bị thất thoát đã đành nhưng cũng phải xem xét tới việc, số tiền này sẽ vào túi ai? Chẳng lẽ, trong 22 công trình có vấn đề trên đây, không có vụ “rút ruột” nào đáng bị đề nghị xử lý hình sự?

Khoa Lâm

Đọc thêm