“Chính sách của chúng ta là tất cả những việc như thế sẽ giải quyết bằng luật pháp quốc tế, giải pháp hòa bình, con đường ngoại giao. Chúng ta kiên quyết phản đối những hành vi vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, bằng hành vi tạo xung đột” – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thế Kỷ - Giám đốc Trung tâm báo chí Đại hội XII của Đảng chia sẻ bên hành lang ĐH sáng 20/1.
- Trong dự thảo văn kiện ĐH 12 lần này, lần đầu tiên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nêu ra. Ông có thể nói rõ thêm về nội dung này?
- Tình hình thế giới và khu vực hiện nay liên tục thay đổi, có những thay đổi mau chóng và có những thay đổi chúng ta phải chủ động nắm bắt rất sớm tình hình để có giải pháp phù hợp. Đơn cử, chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng. Nước ngoài đã xây đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa máy bay dân dụng ra đấy. Tới đây, chắc chắn họ sẽ từng bước quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong Đảng và toàn dân phải thấy rằng để giải quyết vấn đề này quả thật không dễ. Chúng ta không thể nói là cứ lớn tiếng phản đối, dù sự phản đối là cần thiết. Cũng không thể dùng các biện pháp bức xúc, thiếu kiểm soát. Cuộc đấu tranh ấy phải bằng giải pháp ngoại giao, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 và DOC. Chúng ta đã làm khá tốt việc đó thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa.
Đồng thời, chúng ta phải tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế, đặc biệt xây dựng khối đoàn kết ASEAN, để chúng ta có đối sách hợp lý, tạo được áp lực buộc những người, những nước vi phạm pháp luật quốc tế phải tự điều chỉnh.
- Câu chuyện Biển Đông là thách thức lớn trong vấn đề đấu tranh đối ngoại và tuyên truyền thông tin. Ngay tại thời điểm này, dàn khoan 981 của Trung Quốc đang được đặt ngay ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Mấy ngày vừa qua, Trung Quốc đưa máy bay liên tục vi phạm FIR của Việt Nam. Điều này đặt thách thức như thế nào đối với nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh chủ quyền về mặt thông tin, thưa ông?
- Chúng ta phải làm sao vừa đấu tranh với các hành động sai trái, vừa biết đoàn kết quốc tế, ngay cả đoàn kết của nhân dân Trung Quốc, với các nước láng giếng. Đoàn kết để bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với những sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong nước cần thông tin để người dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có những hành động bức xúc thái quá. Những hành động manh động, thiếu kiểm soát về cơ bản sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Thậm chí trên thực tế lại khiến chúng ta mất nhiều hơn, về kinh tế và ảnh hưởng uy tín.
Chính sách của chúng ta là tất cả những việc như thế sẽ giải quyết bằng luật pháp quốc tế, giải pháp hòa bình, con đường ngoại giao. Chúng ta kiên quyết phản đối những hành vi vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, bằng hành vi tạo xung đột. Đó là điều chúng ta không bao giờ mong muốn và chủ trương.
- Nhiệm kỳ vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam đã chủ động nói với người dân về Biển Đông qua diễn đàn Quốc hội. Sau Đại hội XII, việc thông tin cho người dân về tình hình diễn biến phức tạp trên biển đảo, ở biên giới, về quyết sách đối sách để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cần phải được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ được cụ thể hóa, làm rõ tại Nghị quyết Đại hội XII sẽ được Đại hội thảo luận, thông qua. Nhưng quan điểm của chúng ta là nhất quán: đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác có trách nhiệm của các nước, các đối tác trên thế giới, vì hòa bình, hữu nghị, tiến bộ, hợp tác và phát triển.
Còn với thông tin cho người dân về các phức tạp trên biển, cần xác định rõ, các thông tin này thường là phức tạp, không thể ngay một lúc mà có thông tin chính xác được vì cơ quan chức năng cần điều tra kỹ. Báo chí luôn có nhu cầu và áp lực phải thông tin nhanh, sớm. Tuy nhiên, với các vấn đề phức tạp cần sự kỹ lưỡng, cẩn trọng, sự chính xác.
Vì thế, người làm báo cần có ứng xử bản lĩnh, không vì nghe người này người khác nói mà đưa tin thiếu kiểm chứng. Thông tin phải từ cơ quan chức năng có thẩm quyền phát ngôn. Liên quan đến bảo vệ chủ quyền trên biển là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Liên quan đến dầu khí là PVN. Liên quan đến hàng không là Cục hàng không dân dụng Việt Nam.
Ra Trường Sa, các bạn biết rồi, cả biển nước mênh mông. Vùng chủ quyền biển của ta cả triệu km2. Xác định một vấn đề trên biển không đơn giản, kể cả phương tiện và điều kiện khác, đặc biệt là sự kiểm chứng thông tin. Do đó, không vì sự nôn nóng, vì đưa tin nhanh mà thiếu chính xác. Yếu tố chính xác, trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu.