Ông Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho biết, trong năm 2015, Vụ đã hoàn thành một khối lượng công việc “đồ sộ”. Các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi của Vụ được triển khai đồng bộ, toàn diện và bài bản, mang lại hiệu quả thiết thực hơn với cuộc sống.
Đặc biệt, Vụ đã tham mưu tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương cũng như của nhân dân.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở, Vụ đã tham mưu triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ, rộng khắp. Dự kiến, sau khi tổ chức thành công tại các địa phương và các khu vực, trong năm 2016 này, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc sẽ được tổ chức, tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lân, trong năm 2016 này, trong công tác xây dựng thể chế, Vụ sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch trọng tâm công tác PBGDPL năm 2016; Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020; Đề án đổi mới công tác PBGDPL; Quyết định sửa đổi, bổ sung về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và triển khai thực hiện các văn bản sau khi được ban hành.
Đáng chú ý, các mặt hoạt động của công tác PBGDPL trong năm 2016 và những năm tiếp theo đều sẽ quán triệt chủ trương chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện sang thực thi pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đều đánh giá cao những nỗ lực cũng như những kết quả công tác mà Vụ PBGDPL đã đạt được trong năm 2015 cũng như những định hướng công tác được xác định cho năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2021.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, công chức Vụ PBGDPL và đánh giá: “Những thành tích mà Vụ PBGDPL đã đạt được trong năm 2015 đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Bộ, ngành tư pháp”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm qua, Vụ PBGDPL đã làm tốt việc xây dựng thể chế, chính sách; làm tốt chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động được sự chung tay của cả hệ thống chính trị vào công tác PBGDPL. Những nỗ lực ấy đã góp phần nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, tạo nên những tác động xã hội tốt đối với công tác này.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu Vụ PBGDPL phải khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới công tác PBGDPL, quán triệt chủ trương chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện sang thực thi pháp luật; tập trung triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, tránh tính hình thức, phong trào; chú trọng tổ chức thành công cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III và tập trung xây dựng Bộ tiêu chí tiếp cận pháp luật bổ sung vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Thứ trưởng cũng nêu rõ các giải pháp mà Vụ PBGDPL cần tập trung thực hiện như chú trọng công tác tổ chức cán bộ, triển khai có hiệu quả Đề án vị trí việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng công tác thi đua - khen thưởng và chú trọng công tác phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan.
Báo cáo kết quả công tác cho biết, năm 2015, Cục Bổ trợ tư pháp được giao thêm 2 nhiệm vụ mới là quản lý nhà nước về quản tài viên và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Với việc bổ sung thêm 2 nhiệm vụ này, khối lượng công việc của Cục ngày càng tăng vì đối tượng quản lý rất lớn.
Tuy vậy, bước đầu đã được triển khai cơ bản có hiệu quả bằng việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đầu tiên cho đội ngũ quản tài viên, công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản tài viên, thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành về giám định tư pháp, 2 đoàn thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực luật sư nước ngoài…
Các nhiệm vụ theo kế hoạch và đột xuất đều cơ bản hoàn thành, đạt kết quả tốt. Đáng chú ý, hoạt động quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản là một trong những lĩnh vực quản lý mới của Cục được ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành Tư pháp với dấu mốc phát triển một nghề mới trong lĩnh vực tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả nói trên và đưa ra nhiều đề xuất công tác thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương đề nghị sớm tổ chức sơ kết giai đoạn 1 về quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, tiếp tục hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ cho địa phương…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh mong muốn Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp quan tâm đặc biệt đến Đề án thành lập Trường Luật sư Việt Nam do Liên đoàn xây dựng…
Ghi nhận và biểu dương một năm thành công trong công tác bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng thẳng thắn điểm lại một số hạn chế, vướng mắc. Thứ trưởng quan niệm nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp là nghề cao quý, không thể nương tay về mặt phẩm chất, phải coi liêm chính là số 1 và yêu cầu phải hết sức lắng nghe mong muốn của người dân, doanh nghiệp để xác định định hướng công tác trong bối cảnh chung của đất nước, của Bộ, ngành.
Trong năm 2016, Thứ trưởng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm như dành sự quan tâm đặc biệt nghiên cứu định hướng chiến lược nâng cao chất lượng các dịch vụ bổ trợ tư pháp, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tập trung thực hiện thật tốt các quy định pháp luật hiện có; tập trung hoàn thiện Luật Đấu giá tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường; sẵn sàng tiếp nhận quản lý nghề mới là thừa phát lại; tăng cường thanh, kiểm tra chuyên ngành, tạo sự chuyển biến và lập lại trật tự, kỷ cương, nâng cao hình ảnh, uy tín của nghề bổ trợ tư pháp trong xã hội…