Không thể "ngâm" vụ kiện vì UBND xã can thiệp trái luật

Việc TA hoãn và chậm đưa vụ án ra xử tiếp, một phần có nguyên nhân từ việc phản ứng gay gắt từ phía nguyên đơn là UBND xã Xuân Đỉnh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Từ Liêm. Hai cơ quan này trong suốt quá trình TA thụ lý vụ kiện đến lúc đưa ra xét xử đã vắng mặt và có nhiều văn bản đề nghị TA dừng việc xét xử...

Báo Pháp luật Việt Nam có bài “Chờ mãi không tuyên án” phản ánh việc TANDTP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi lại đất từ ngày 8/2/2010 đến nay nhưng vẫn chưa tuyên án, khiến đương sự bức xúc, dư luận nghi ngờ…

Không thể kéo dài mãi được

Nguyên đơn vụ kiện là ông Đỗ Duy Hoài, người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Tuấn Hợp (ở phường Vệ An, TP. Bắc Ninh) kiện đòi nhà đất đã cho HTX Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm mượn từ năm 1963 để HTX làm sân kho, nhà họp, nghỉ ngơi của xã viên. Việc mượn có làm văn bản, do bố ông Hợp và Ban quản trị HTX ký, có đóng dấu xác nhận của HTX. Hiện đất thuộc UBND xã Xuân Đỉnh quản lý, còn các công trình xây dựng trên đất HTX Xuân Đỉnh quản lý và cho thuê.

Mới đây, trao đổi với phóng viên về nguyên nhân kéo dài việc xét xử vụ án nói trên, ông Tạ Quốc Hùng, Phó Chánh án TANDTP Hà Nội cho biết: “Đúng là có việc mở phiên tòa nhưng sau đó phiên tòa bị hoãn. Lý do hoãn là để HĐXX củng cố, thu thập thêm chứng cứ, làm rõ một số nội dung liên quan của vụ án”.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, vụ án đã có lúc bị đình chỉ vì có yếu tố nước ngoài, nhưng sau đó khi có Nghị quyết 1037 của UBTVQH ngày 27/7/2006 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì vụ án đủ điều kiện được thụ lý và đã được đưa ra giải quyết.  Nói về hướng xử lý sắp tới, ông Hùng quả quyết: “Khi TA đã thụ lý thì sẽ phải giải quyết, chứ không thể kéo dài mãi được”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ án đã bị hoãn và hiện đã quá thời hạn hoãn. Theo qui định, Quyết định hoãn phiên toà phải được chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết và sau khi hoãn phiên toà mà Toà án không thể mở lại phiên toà đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà thì Toà án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Thế nhưng, ở vụ án này  đương sự không hề được thông báo bao giờ xử lại.

Cần tôn trọng tính độc lập trong xét xử

Việc TA hoãn và chậm đưa vụ án ra xử tiếp, một phần có nguyên nhân từ việc phản ứng gay gắt từ phía nguyên đơn là UBND xã Xuân Đỉnh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Từ Liêm. Hai cơ quan này trong suốt quá trình TA thụ lý vụ kiện đến lúc đưa ra xét xử đã vắng mặt và có nhiều văn bản đề nghị TA dừng việc xét xử với lý do, nếu TA tuyên nguyên đơn thắng kiện thì khả năng gây bức xúc trong cộng đồng dân cư là không nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng chính sách về quản lý đất đai của Đảng và chính quyền địa phương. Hiện đất do UBND xã quản lý.

Có thể nói, đó là một sự can thiệp trái pháp luật của chính quyền vào việc xét xử của TA. TA xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, bởi vậy TA không thể kéo dài vụ kiện vì lý do trái pháp luật này.

Tư vấn thêm cho gia đình ông Hoài về vụ kiện nói trên, Vụ pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp đã có ý kiến: “Việc ông khiếu kiện tại TA để TA giải quyết việc đòi lại đất là hoàn toàn phù hợp khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003.

Theo Nghị Định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai 2003 thì việc yêu cầu đòi lại đất phải có văn bản  mượn thuê đất. Do đó, gia đình có đơn yêu cầu đòi lại đất đã cho HTX mượn là hoàn toàn phù hợp qui định của pháp luật về đất đai”. Cũng chính bởi vậy, gia đình ông Hoài càng tin tưởng việc mình kiện, chưa nói thắng thua,  nhưng được pháp luật bảo vệ và TA có trách nhiệm giải quyết chứ không thể "ngâm" vụ án mãi được.

Đến nay, việc chậm xét xử vụ án khiến các cơ quan như Văn phòng Chủ tịch Nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSNDTC, VKSND TP Hà Nội đều có văn bản yêu cầu Chánh án TANDTP Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.

P.V.

Đọc thêm