Không thỏa thuận được tiền tác quyền, NXB có nguy cơ phải in lại sách

(PLO) - Mấy ngày nay, giới văn nghệ xôn xao chuyện nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn lên tiếng mạnh mẽ về câu chuyện bản quyền với NXB Giáo dục Việt Nam. Hành động này của Hồ Huy Sơn nhận được ủng hộ của nhiều văn nghệ sĩ khác, bởi từ lâu nay, câu chuyện tác giả bị sử dụng tác phẩm “chùa” trong giới văn chương đã khá phổ biến. 

Chuyện bắt đầu từ khi Hồ Huy Sơn phát hiện bài viết “Hãy can đảm lên” của mình xuất hiện trong cuốn “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3” (tác giả Lê Phương Nga), phát hành tháng 10/2016 và bài thơ “Con đường rơm trong” cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3 trên giấy ô li” (NXB Giáo dục Việt Nam và Công ty CP Dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định), xuất bản từ năm… 2012.

Hồ Huy Sơn đã gửi mail phản ánh trực tiếp tới các NXB nói trên, nêu ý kiến rằng việc tự ý sử dụng tác phẩm của anh để kinh doanh mà không xin phép là một sự thiếu tôn trọng tác giả, và yêu cầu phía NXB thanh toán cho anh tiền tác quyền.

Sau nhiều trao đổi qua lại với thái độ không mấy hợp tác, phía NXB Giáo dục Việt Nam đã đề nghị thanh toán nhuận bút hai bài viết nói trên cho tác giả Hồ Huy Sơn với giá… 600 ngàn đồng/ bài viết. Do không đạt được thỏa thuận, tác giả Hồ Huy Sơn đã yêu cầu gỡ bỏ hai bài viết nói trên ra khỏi sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Việc tác phẩm bị đưa vào sách đem kinh doanh mà tác giả không hề hay biết đã là một chuyện quá quen thuộc. Sau khi làm việc với NXB Giáo dục về hai tác phẩm nói trên, Hồ Huy Sơn tiếp tục tình cờ phát hiện bài viết của mình xuất hiện trong một loạt sách giáo khoa, sách dạy chữ cho thiếu nhi. Khi anh chia sẻ điều này, nhiều bạn bè trong giới như các tác giả Trịnh Thùy Dung, Lưu Hà… cũng cho biết, bản thân họ cũng vài lần từng bắt gặp tác phẩm của mình trong các quyển sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Không chỉ có nhà văn, nhà thơ mà các nhà báo cũng than phiền chuyện các bài viết trên báo của mình “được” đưa vào sách của NXB Giáo dục Việt Nam nhưng không hề thông qua ý kiến tác giả.

Mới đây, nhà thơ Hồ Huy Sơn cho biết, anh vừa nhận được thư xin lỗi từ phía 2 công ty trực thuộc của NXB Giáo dục Việt Nam, là: Công ty CP Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Hà Nội và Công ty CP Đầu tư và Phát triển GD Phương Nam.

Tuy mọi việc vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết ổn thỏa nhưng theo anh, đây là một tín hiệu vui bước đầu trong “cuộc chiến” chống lại việc sử dụng tác phẩm để kinh doanh mà không xin phép tác giả. Ban đầu, khi Hồ Huy Sơn kiên quyết lên tiếng về vụ việc, một số người đã khuyên anh “dĩ hòa vi quý”. Tuy nhiên, với mong muốn có một tiền lệ tốt trong ngành xuất bản đối với các trường hợp nói trên, nhà thơ trẻ đã quyết định “làm tới cùng”. 

Hiện nay, Hồ Huy Sơn đang tiếp tục viết thư cho NXB Đại học Sư phạm, nơi xuất bản sách có hai bài viết “Hãy can đảm lên” và “Cây nổ” của anh nhưng cũng không xin phép. Cạnh đó, Hồ Huy Sơn cũng đưa ra một danh sách các “bạn văn” của mình có bài viết trong quyển sách này, với lời đề nghị đồng hành trong “cuộc chiến” đòi những quyền cơ bản của tác giả. 

Anh hy vọng, qua sự việc này, các tác giả hãy nêu cao ý thức bảo vệ tác quyền của mình, đừng xuê xoa như từ trước tới giờ, cho là việc nhỏ, không đáng. Điều đó cũng là một phần làm cho tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra tràn lan như vừa rồi. Và quan trọng hơn, đó là mong muốn chung mong các NXB, các đơn vị làm sách thực hiện tốt việc tôn trọng tác quyền, cùng hướng đến một môi trường xuất bản lành mạnh.

Đọc thêm