Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong quý I/2023 Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 văn bản đề án, đồng thời phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội. Việc chuyển giao này thực hiện theo chủ trương chung trong Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển khoa học công nghệ qua các thời kỳ.
Thứ trưởng Duy cho biết, từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 2 lần điều chỉnh: lần 1 vào năm 2008 và lần 2 vào năm 2016.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay, trong suốt thời gian xây dựng và phát triển, việc giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc gặp khó khăn trong thời gian dài. Tuy nhiên từ một khu đất liên quan đến núi đồi, khó phát triển nông nghiệp đã có những bước chuyển thành trở thành đô thị tiềm năng, có những bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học, các sản phẩm chủ lực công nghệ cao.
Ban đầu Khu công nghệ cao Hòa Lạc định hướng thành tam giác gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và làng văn hóa hướng trở thành đô thị văn hóa giáo dục khoa học công nghệ. Khác với các khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ nơi tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Thời gian qua mục tiêu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển công nghệ lõi với định hướng nhiều cho các trung tâm, viện nghiên cứu, chứ không tập trung "lấp đầy" nhanh. Nếu lấp đầy nhanh bằng doanh nghiệp FDI có thể trong thời gian ngắn sẽ có nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm nhanh nhưng sẽ bão hòa nhanh về tiềm lực. Tuy nhiên, việc chậm phát triển là khu công nghệ cao không có đô thị xung quanh, nhà ở và giao thông chưa thuận lợi. Bởi vậy sau một thời gian phát triển, trong bối cảnh thay đổi cũng cần có điều chỉnh nhất định" - Thứ trưởng Duy nói.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết, hiện đề án chuyển giao đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ, trong đó có đánh giá phân tích tác động mô hình quản lý, dự báo, nêu các vấn đề tồn tại cần giải quyết khi phát triển mô hình.
"Đơn vị đang lấy ý kiến đánh giá, góp ý để hoàn thiện bổ sung báo cáo và có đánh giá về lộ trình, phân tích chính sách đầu tư để quyết định trên cơ sở sẵn sàng của Hà Nội để chuyển giao" - ông Trung cho hay.
Hiện cả nước có 3 Khu công nghệ cao quốc gia gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 288 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó khoảng hơn ¼ là các dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương hơn 17 tỷ USD; thu hút thành công nhiều tập đoàn/công ty lớn có uy tín trên thế giới đến đầu tư như: Samsung, Intel, Nidec, Hanwha, Jabil, Sonion, Sanofi, Microchip, Nipro, Datalogic…; đồng thời, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Như: Viettel; Vingroup; FPT; VNPT…
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổng giá trị sản xuất 3 Khu CNC quốc gia năm 2019 đạt gần 20 tỷ USD. Năm 2020 và 2021, mặc dù có ảnh hưởng Covid-19 nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt được tương ứng hơn 21 tỷ USD và 23,35 tỷ USD cả năm. Giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC của các khu CNC năm 2021 vượt 21 tỷ USD