Cho rằng tài sản do mình đứng tên mua trước khi kết hôn bất hợp pháp với ông Nguyễn Đức Cư nhưng vẫn bị hai cấp tòa ở Thừa Thiên - Huế chia đều cho cả hai, bà Lê Thị Hường, trú 69, An Dương Vương, phường An Đông, TP.Huế hơn 4 năm qua mang đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được công lý cho mình và 3 đứa con.
Hiện trạng căn nhà 69 An Dương Vương sau khi chia đôi |
Tài sản riêng, chia chung
Bà Lê Thị Hường trình bày, ngày 18/12/1990, bà mua của vợ chồng ông Nguyễn Đình Thanh và bà Hoàng Thị Lài tại xã Thủy An (nay là phường An Đông) một căn nhà và bà đứng tên. Việc mua bán có giấy tờ được UBND xã xác nhận. Thời gian này, ông Nguyễn Đức Cư (Công tác tại Cục Thuế Thừa Thiên - Huế) dù đang có vợ nhưng vẫn đến ở với bà bất hợp pháp và sinh được ba người con. Năm 2005, do mâu thuẫn gia đình nên ông Cư viết đơn yêu cầu tòa án không công nhận vợ chồng và chia tài sản.
Tại hai bản án dân sự sơ thẩm của TP Huế và phúc thẩm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 19/3/2008 và 9/6/2008 ghi: “Theo hợp đồng mua bán nhà được xác lập ngày 18/12/1990 thì bà Hường đứng tên mua nhưng số tiền mua do ông Cư cùng với bà Hường bỏ ra để trả… Xét về công sức đóng góp của mỗi bên ngang nhau, nên chia hai về giá trị tài sản…”.
Căn cứ để hai cấp tòa chia đôi tài sản dựa trên lời khai của ông Cư, lời khai các nhân chứng... Nhưng các lời khai này rất mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất. Trong khi đó, bà Hường có cơ sở chứng minh giấy mua bán nhà chỉ mỗi mình bà đứng tên.
Lý giải vì sao trong giấy mua bán nhà không có tên ông Cư, bản án phúc thẩm cho rằng: “Vào thời điểm đó, ông Cư không ghi tên vào trong hợp đồng mua bán nhà là do ông Cư đang làm việc tại Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế nên sợ vợ biết báo cho cơ quan sẽ bị kỷ luật…”.
Với lập luận không căn cứ vào chứng cứ pháp lý mà chỉ “tát nước theo mưa” rõ ràng Hội đồng xét xử thiên vị, cảm tính, trái luật, khi tài sản đó không có văn bản thỏa thuận nhập vào tài sản chung. Hơn nữa, trong khi cả hai cấp tòa đều công nhận hôn nhân giữa bà Hường và ông Cư là bất hợp pháp và không công nhận vợ chồng thì về nguyên tắc tài sản của ai người đó hưởng chứ không thể “chia đôi”.
Chưa kể ông Cư đang có vợ nhưng chung sống như vợ chồng với bà Hường là vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Tại khoản 1, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình về việc chia tài sản nêu: “Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó” nhưng cả hai cấp xử đều “ngó lơ”. Cũng tại mục b, khoản 2, điều này thể hiện: “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên …” cũng không được Hội đồng xét xử xem xét khi bà Hường đang nuôi 3 con nhỏ chưa đến tuổi vị thành niên.
Trong khi bà Hường gửi đơn về vụ việc đến Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) và Viện KSNDTC xem xét giám đốc thẩm thì ông Cư được UBND TP.Huế cấp Giấy CNQSDĐ và sau đó nhanh chóng bán phần tài sản được chia.
Dư luận đặt câu hỏi là vì sao bà Hường đang chờ trả lời từ TANDTC thì UBND TP.Huế cấp quyền sử dụng nhà đất cho ông Cư?. Việc làm khuất tất này của UBND TP.Huế khiến vụ việc càng trở nên phức tạp khi người mua dọn đến ở gặp phải sự chống đối quyết liệt từ bà Hường vì bà cho rằng các cấp tòa xử oan.
TANDTC cần xem xét lại bản án
Không như mong đợi, ngày 21/6/2011, thừa ủy quyền Chánh án TANDTC, Thẩm phán Trần Thị Thu Hiền ký văn bản số 142HNGĐ-LĐ trả lời bà Hường với nội dung: “Việc bà cho rằng căn nhà tại 69 An Dương Vương là tài sản riêng của bà nên bà yêu cầu được hưởng 70% tổng giá trị tài sản, ông Cư được hưởng 30% là không có căn cứ…”.
Và “Căn cứ vào giấy xác nhận ngày 4/2/1991 của ông Thanh; Biên bản ngày 23/1/2008 của ông Quế Tổ trưởng Tổ dân phố; Lời khai của bà Đậu, mẹ bà Hường tại tòa… và các chứng cứ khác có đủ cơ sở để xác định ông Thanh bà Lài bán đất cho ông Cư và bà chứ không phải cho một mình bà…”.
Nhưng đối chiếu với bản khai của ông Quế khi thì khai: “Tôi không được rõ cụ thể ai là người đã bỏ tiền ra để mua”, lúc lại khai “theo tôi được biết ông Cư và bà Hường bỏ ra mua…”; hoặc lời khai của bà Đậu (mẹ bà Hường): “Tiền mua nhà do Hường dành dụm được, tôi có cho một ít…” và lời khai của ông Thanh, người bán nhà cho bà Hường cũng khẳng định: “Tôi có bán cho bà Lê Thị Hường một căn nhà…”.
Những lời khai mập mờ, không có căn cứ cụ thể, thế nhưng vẫn được TANDTC viện dẫn để bác bỏ đơn yêu cầu của bà. Trong khi chứng cứ rõ ràng nhất là giấy thỏa thuận mua bán nhà giữa vợ chồng ông Thanh và bà Hường được Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định thuộc sự kiện không phải chứng minh.
Quyền phán xét cuối cùng thuộc về tòa án, nhưng mọi việc đều có thể được khắc phục với tinh thần cầu thị và trên tất cả, đó là việc làm có ý nghĩa sâu sắc góp phần tạo sự bình yên chung cho xã hội cũng như củng cố niềm tin của nhân dân và các cơ quan pháp luật.
Nghiên cứu những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nhiều luật sư cho rằng, vụ án trên cần được TANDTC xem xét lại một cách thấu đáo, công bằng, khách quan. Bởi lẽ, ông Cư không đưa ra được chứng cứ chứng minh trực tiếp việc bỏ tiền ra mua cùng. Hoặc tài sản riêng của bà có trước khi kết hôn, dù đưa vào sử dụng chung nhưng không có văn bản thỏa thuận nhập vào tài sản chung thì vẫn là tài sản riêng của bà. |
Quang Tám