TAND TP Đà Lạt vừa xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Hòa (ngụ tại 69 E Cổ Loa, phường 2, Đà Lạt) khởi kiện UBND TP Đà Lạt về việc thu hồi đất kỳ lạ mà Báo PLVN đã phản ánh. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án khiến nhiều người ngỡ ngàng…
Quyết định khó hiểu
Nguồn gốc nhà và đất tại 69E và 55 E Cổ Loa, phường 2 hiện gia đình ông Hòa đang sử dụng là do vợ chồng ông mua lại của bà Trần Thị Phúc Trinh, trong đó, 264m2 được UBND TP Đà Lạt ra Quyết định cấp cho ông Nguyễn Văn Sáu năm 1979 nhưng ông Sáu không sử dụng mà để lại cho bà Trinh bán cho ông Hòa. Cuối năm 1997, ông Sáu từ Bình Thuận lên có đơn xin lại đất cũ, UBND TP Đà Lạt đã ra QĐ số 295 ngày 21/4/1998 “không chấp nhận ” đồng thời thu hồi diện tích đất nói trên giao UBND phường 2 quản lý.
Ông Hòa khiếu nại, ngày 3/7/1998 Sở Địa chính Lâm Đồng có văn bản kiến nghị UBND tỉnh: “Giao UBND TP Đà Lạt lập quy hoạch phương án quản lý diện tích đất trên, đồng thời hướng dẫn ông Hòa làm thủ tục giao đất theo quy định của pháp luật hiện hành”. Ngày 30/9/1998, UBND tỉnh Lâm Đồng có QĐ 2522 không chấp đơn của ông Hòa, giữ nguyên quyết 295 của UBND TP Đà Lạt.
Năm 2003, gia đình ông Hòa được UBND TP Đà Lạt cho làm thủ tục hợp thức hóa toàn bộ nhà đất nói trên theo Nghị định 60/CP và ông Hòa đã nộp tiền đầy đủ cho Nhà nước. Ngày 13/9/2004, UBND TP Đà Lạt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho ông Hòa. Nhưng ngày 18/10/2004 lại ra QĐ số 1656 thu hồi GCN. Năm 2005, Chi cục Thuế Đà Lạt ra công văn thoái trả tiền sử dụng đất, ông Hòa không đồng ý.
Ông Hòa trước mảnh đất và ngôi nhà của mình |
Ngày 22/6/2010 UBND TP Đà Lạt ra QĐ số 1999 giao cho ông Nguyễn Ngọc Sáu ở tận Bình Thuận 208m2 đất để làm nhà ở trên phần đất mà ông Hòa đã làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và đang quản lý sử dụng. Ông Hòa khiếu nại, ngày 24/3/2011, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ra QĐ số 610 cưỡng chế đối với hộ ông Hòa để lấy đất giao cho ông Sáu. Ngày 16/5/2011 UBND TP Đà Lạt ra công văn số 1881 cho biết ngày 21/2011 UBNDTP Đà Lạt đã cấp GCN cho ông bà Nguyễn Ngọc Sáu- Đinh Thị Mười với diện tích 208m2, ông Sáu đã nộp cho ngân sách 1.430.572.000 đồng.
Điều khó hiểu là trong hồ sơ cấp GCN cho ông Sáu, bà Mười nhưng người nhận GCN nói trên lại là ông Nguyễn Hữu Hiền- cán bộ Thanh tra TP Đà Lạt. Ông Hiền đã ký nhận vào mặt sau GCN nói trên và viết: “đã nhận bản chính GCN vào ngày 21/01/2011”. Sau đó, ông Hiền đã “đạo diễn” cho ông Sáu, bà Mười làm thủ tục bán ngay diện tích nói trên cho ông Nguyễn Hữu Khánh bà Trần Thị Minh Huyển và ông Trần Nhật Quang, Nguyễn Thị Huệ ngày 4/3/2011 với giá 2.500.000.000 đồng, kiếm lời được hơn 1 tỉ đồng trong lúc chưa hề có đất và ông Hòa đang khởi kiện ra TANDTP Đà Lạt.
Ngỡ ngàng trước phán quyết của tòa
Tại Tòa, ông Hòa vẫn giữ nguyên yêu cầu hủy các QĐ nói trên của UBND TP Đà Lạt vì cho rằng trái với quy định của pháp luật.
Vậy nhưng, nhiều người dự khán đã ngỡ ngàng khi Thẩm phán Trần Thị Lệ Nhung hỏi người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt - ông Trương Xuân Thường là căn cứ điều nào, khoản nào của pháp luật để ban hành các QĐ nói trên thì ông Thường lúng túng trả lời: “Tôi chưa nghiên cứu”, “không nhớ”, “ không biết”.
Đối với QĐ số 1656 ngày 18/10/2004 của UBND TP Đà Lạt thu hồi GCN của ông Hòa, mặc dù ông Hòa khẳng định nhiều lần trước tòa rằng không nhận được QĐ nói trên, mãi đến ngày 27/12/2011 tại buổi đối thoại với người đại diện UBND TP Đà Lạt ông mới biết có QĐ này và cũng không có một chứng cứ nào cho thấy QĐ nói trên đã được tống đạt hợp lệ, nhưng thẩm phán vẫn cho rằng: “Ông Hòa khởi kiện QĐ số 1656 của UBND TP Đà Lạt là hết thời hiệu khởi kiện”.
QĐ số 1999 ngày 22/6/2010 của UBND TP Đà Lạt về việc giao đất làm nhà diện tích 208m2 cho ông Sáu vi phạm về hình thức, thẩm quyền ban hành theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật HĐND và UBND nhưng, thẩm phán Nhung lại cho rằng về trình tự thủ tục ban hành QĐ này là đúng quy định theo Điều 122 Luật Đất đai và giải thích: “Tuy QĐ số 199/QĐ-UBND ngày 22/6/2010 của UBND TP Đà Lạt có sai sót về mặt hình thức nhưng không đến mức nghiêm trọng, UBND TP Đà Lạt cần rút kinh nghiệm”.
Về căn cứ giao đất cho ông Sáu, bà Mười mặc dù ông bà đã có nhà cửa ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, không có nhu cầu về nhà ở tại Đà Lạt, trong khi gia đình ông Hòa đã nộp đủ tiền đất cho nhà nước và sử dụng ổn định từ năm 1981 đền nay, nhưng Thẩm phán lại cho rằng QĐ nói trên của UBND TP Đà Lạt là: “đúng với quy định tại Điều 31,32,34 Luật Đất đai”, nên bác yêu cầu khởi kiện của ông Hòa.
Riêng QĐ cưỡng chế hộ ông Hòa số 610 ngày 24/3/2011 của UBND TP Đà Lạt, thì Thẩm phán “chấp nhận yêu cầu khởi kiện” với lý do “chưa hoàn tất thủ tục thoái trả số tiền mà ông Hòa đã nộp và cũng chưa đền các tài sản trên đất cho gia đình ông Hòa”, nên tuyên “hủy".
LS Nguyễn Thanh Triều – Trưởng VPLS Triều Ân nhận xét: “Bản án sơ thẩm nói trên có quá nhiều điều trái pháp luật. Bởi lẽ QĐ số 295 ngày 21/4/1998 của UBND TP Đà Lạt thu hồi 264m2 đất của ông Hòa giao cho UBND phường 2 quản lý.
Tuy nhiên, thực tế UBND phường 2 không hề quản lý, mà gia đình ông Hòa là người trực tiếp quản lý, sử dụng từ đó đến nay, nên ông Hòa được tiếp tục sử dụng và được cấp GCN và không phải nộp tiền sử dụng đất theo khoản 3, Điều 48 Nghị định 181/NĐ-CP. Năm 2004 UBND TP Đà Lạt đã cho ông Hòa hợp thức hóa nhà đất theo Nghị định 60/CP, thu tiền sử dụng đất và cấp GCN cho gia đình ông Hòa. Như vậy, việc giao đất cho ông Hòa đã hoàn thành theo Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, Điều 14 Nghị định 84 của Chính phủ. Mặt khác, theo Điều 13 Luật Đất đai thì không hề có loại “đất công sản”.
Nhưng UBNDTP Đà Lạt lại cho rằng 264m2 đất mà ông Hòa đang sử dụng đã “cấp chồng” lên “đất công sản”, nên ban hành QĐ số 1656 thu hồi GCNQSDĐ của ông Hòa là trái luật.
Đáng quan ngại là QĐ 1999 của UBND TP Đà Lạt giao đất cho Sáu không những vi phạm về hình thức, thẩm quyền ban hành theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn chồng lên đất của ông Hòa là vi phạm nghiêm trọng về hình thức lẫn nội dung lẽ ra phải tuyên hủy. Nhưng không hiểu sao tòa vẫn không hủy.
Luật Đất đai, Nghị định 181 của Chính phủ quy định Nhà nước chỉ giao đất cho người có nhu cầu sử dụng. Ông Sáu, bà Mười hiện có hộ khẩu và đã có nhà cửa khang trang xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thì không được giao đất. Chẳng qua UBNDTP Đà Lạt giao đất cho họ để bán kiếm lời, nhưng không hiểu sao TANDTP Đà Lạt vẫn cho rằng QĐ giao đất nói trên là đúng luật!”
Phiên sơ thẩm khép lại trong nỗi bức xúc của người, ông Hòa cho biết sẽ kháng cáo. Báo PLVN tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV Đà Lạt