Quảng cáo là “Học viện Công nghệ Thông tin (CNTT) Quốc tế Karoox- Ấn Độ” và tiến hành tuyển sinh công khai tại số 27, ngõ 329 Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng người đứng đầu Cty Cổ phần (CP) Karox Việt Nam thừa nhận chưa có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đào tạo và chưa được Cty TNHH Công nghệ Karrox (Ấn Độ) nhượng quyền thương mại…
|
Công ty Cổ phần Karox Việt Nam công khai trưng biển tuyển sinh và mượn danh |
Tuyển sinh khi chưa có giấy phép
Theo “Giấy báo nhập học” của “Học viện CNTT Quốc tế Karoox- Ấn Độ” thì Học viện này sẽ tổ chức làm thủ tục nhập học hệ chuyên gia CNTT quốc tế vào sáng 23/7/2012 tại 27, ngõ 329 Cầu Giấy, Hà Nội. Nhưng khi đến đây, nhiều học viên ngỡ ngàng vì thấy những người điều hành đều “lạ hoắc” so với trước đó 1 tháng.
Tìm hiểu kỹ trên một số giấy tờ, mọi người mới hay cũng địa điểm này, Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và đào tạo Quốc tế đã bị thay thế bằng Cty CP Karox Việt Nam. Vậy doanh nghiệp này có được phép tuyển sinh và đào tạo về CNTT?.
Ông Nguyễn Thành Viên- Chủ tịch HĐQT Cty CP Karox Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có Giấy phép của Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội về đào tạo nghề. Không nhất thiết phải có Giấy phép của Sở Giáo dục - Đào tạo”; Còn ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Cty CP Karox Việt Nam cho hay: “Hiện chúng tôi chưa thực hiện tuyển sinh đào tạo”.
Tuy nhiên, qua các hoá đơn thu tiền đặt cọc của học viên cũng như trong nội dung Giấy báo nhập học thì Cty CP Karox Việt Nam đều đề cập tới việc tuyển sinh và đào tạo hệ KCAP (tức “Chuyên gia quản trị mạng và bảo mật”.
Chiều 25/7, gọi điện đến của Cty CP Karox Việt Nam trong vai 1 người muốn tham gia khoá học, chúng tôi được một người xưng là nhân viên cty giới thiệu họ đang tuyển sinh 3 khoá học về Chuyên gia công nghệ di động; Chuyên gia phần mềm và chuyên gia quản trị mạng và bảo mật”. Thậm chí, nhân viên này còn sẵn sàng “gửi chương trình học và học phi cụ thể qua e- mail” cho chúng tôi.
Theo quy định, việc đào tạo như trên của của Cty CP Karox Việt Nam phải có Giấy phép của Sở GD&ĐT. Nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Thành Viên lại cho rằng không cần giấy phép của Sở này. Đáng nói hơn là việc nhờ đâu cty này lại qua mặt được cơ quan chức năng và vẫn để biển hiệu, quảng bá rầm rộ về chương trình đào tạo theo Karrox Ấn Độ?
“Hất” nhau bằng hợp đồng thuê nhà
Như chúng tôi đã đề cập, trước đây số 27, ngõ 329 Cầu Giấy là địa điểm tuyển sinh của Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế. Đây mới chính là đơn vị có Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động đào tạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, là đơn vị được Cty TNHH Công nghệ Karrox (Ấn Độ) nhượng quyền thương mại, công nhận là đại diện duy nhất tại Việt Nam tại thời điểm này.
Nhưng sau khi tuyển sinh, đào tạo được vài khoá thì Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế đã bị Cty CP Karox Việt Nam loại ra khỏi địa chỉ trên một cách khá ngoạn mục.
Đầu tiên là việc ông Viên - với tư cách là cổ đông của Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế nhận “Thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà” của chủ nhà Ngô Phú Cường vào đầu tháng 5/2012. Ít lâu sau, cũng với tư cách này, ông Viên đã ký “biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà” với ông Cường. Và đến ngày 1/6/2012 thì ông Viên - lúc này lấy tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty Karox Việt nam- ký hợp đồng thuê nhà tại đúng địa điểm vừa “giúp” Cty cũ thanh lý hợp đồng hôm trước.
Vào tháng 7/2012, chỉ đến khi bị “loại” khỏi 27, ngõ 329 Cầu Giấy thì cán bộ của Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế mới “ngã ngửa” rằng địa điểm này đã được cty khác thuê từ 1 tháng trước đó.
Ông Viên cho biết, ông chỉ là một cổ đông, không phải là đại diện trước pháp luật của Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế. Ông ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà cũng không được sự uỷ quyền của Giám đốc.
Vậy là từ một bản thanh lý hợp đồng được ký sai thẩm quyền và “bí mật”, ông Viên đã loại được cty cũ ra khỏi 27, ngõ 329 Cầu Giấy nhưng vẫn mượn danh và uy tín của cty cũ để hoạt động tuyển sinh, đào tạo về CNTT.
Thậm chí, tuy thừa nhận với phóng viên rằng, “chúng tôi chưa được Cty TNHH Công nghệ Karrox Ấn Độ nhượng quyền thương mại” nhưng tại giấy báo nhập học và trong nội dung thư điện tử gửi đi một số nơi, ông Viên vẫn xưng là “Giám đốc đào tạo của Học viện CNTT KarRox Ấn Độ” và “KarRox Việt Nam sẽ hoạt động và chạy đúng theo chương trình của KarRox Ấn Độ, đảm bảo các quyền lợi cho học viên, được học tập đầy đủ với đội ngũ giảng viên có trình độ, chất lượng tốt, được sử dụng cơ sở vật chất với trang thiết bị hiện đại, phục vụ thiết thực cho việc học tập. được đảm bảo các quyền lợi về bằng cấp và bảo trợ nghề nghiệp khi ra trường…”.
Trong khi các bên liên quan đang làm rõ khuất tất trong việc thanh lý hợp đồng thuê nhà trên đây thì rất cần cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ dấu hiệu sai phạm trong hoạt động đào tạo của Cty CP Karox Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi của học viên và tính nghiêm minh của pháp luật.
Khoa Lâm