Khuất tất vụ mua bán "khu đất vàng" ở Cần Thơ

Câu chuyện “phù phép” khối tài sản được xem là “khu đất vàng” tại trung tâm TP. Cần Thơ (số 42-44 đường Hòa Bình và số 1-3-5-7-9 đường Đề Thám thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều) vào năm 2005 đến nay vẫn còn là câu chuyện khó tin…

Câu chuyện “phù phép” khối tài sản được xem là “khu đất vàng” tại trung tâm TP. Cần Thơ (số 42-44 đường Hòa Bình và số 1-3-5-7-9 đường Đề Thám thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều) vào năm 2005 đến nay vẫn còn là câu chuyện khó tin…

Căn nhà này đã bị đập phá nhằm mục đích chỉ chuyển nhượng đất, không có nhà

Biến “của chung” thành “của riêng”?

Theo ông Phan Roland và bà Trần Lang, khối tài sản “vàng” này có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của ông Phan Mậu và bà Vương Tịnh theo Bằng khoán điền thổ số 403. Sau khi ông Mậu qua đời, ngày 29/7/1978, tại UBND phường 8, quận 5, TP.HCM, bà Tịnh và các con thỏa thuận để anh Phan Xường quản lý, sử dụng tài sản và thờ cúng.

Anh Xường cũng được “ủy quyền liên hệ mọi mặt với Nhà nước khi cần thiết” – ông Phan. Bà Lang cho biết thêm, sau khi được bà Tịnh và gia đình chấp thuận, ngày 2/8/1978, ông Xường có đơn gửi chính quyền xác nhận nhân thân để ông được quản lý nhà hương hỏa và được phường An Nghiệp xác nhận.

Sau ngày miền Nam giải phóng, mẹ và một số anh em ruột, trong đó có các ông Phan Roland và Phan Thiếu Thạch đi định cư ở nước ngoài, số anh em còn lại tiếp tục sinh sống tại TP.HCM. Bà Lang trình bày, toàn bộ nhà, đất nêu trên của ông Mậu và bà Tịnh cùng các đồng thừa kế gồm: Ông Phan Hoan, ông Phan Hùng, bà Phan Khoành Hưng, bà Phan Thị Phùng và ông Phan Xường.

Theo đó, tất cả những người này thống nhất ủy nhiệm để ông Xường quản lý và đứng tên kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Cụ thể, ông Xường thay mặt bà Tịnh và các đồng thừa kế trong việc quản lý khối tài sản nói trên với tư cách là người được ủy quyền của các đồng thừa kế.

Nhưng không hiểu bằng cách nào, ông Xường và các con của ông đã tự ý tiến hành các thủ tục mua bán nhà và chuyển nhượng khối tài sản nêu trên cho bà Huỳnh Thị Út Lan vào ngày 9/2/2003 và ngày 12/12/2003, trước thời điểm được cấp GCNQSDĐ vào năm 2005. Điều đáng nói là sau khi ký hợp đồng mua bán với bà Lan, ông Xường cùng các con khai nhận căn nhà là tài sản của bà Nguyễn Thị Hảo (vợ ông Xường đã chết), sau đó lập thủ tục khai nhận thừa kế là của vợ và mẹ là Nguyễn Thị Hảo.

Có “Lạm dụng tín nhiệm…”?

Trước sự việc đó, tháng 8/2005, ông Phan Thiếu Thạch, Phan Roland và bà Trần Lang khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại TAND TP.Cần Thơ giữa ông Xường và bà Út Lan. Bên cạnh đó, những nguyên đơn này còn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ khi thi hành công vụ và hành vi “gian dối, lừa đảo” của ông Xường và bà Út Lan đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.Cần Thơ.

Điều bất thường còn thể hiện ở chỗ, trong khi ông Xường chưa được cấp GCNQSDĐ thì vào ngày 20/3/2005, bà Lan với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Gia Đạt đã gửi tờ trình với nội dung “nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, Cty Gia Đạt quyết định tiến hành đầu tư dự án xây dựng cao ốc văn phòng và căn hộ để bán và cho thuê tại địa chỉ số 42-44 đại lộ Hòa Bình, TP.Cần Thơ, đề nghị xem xét, chấp thuận”.

Ngày 28/3/2005, UBND TP. Cần Thơ có công văn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xem xét nội dung đề nghị của Cty Gia Đạt. Ngày 9/6/2005, UBND TP. Cần Thơ có thông báo xác định nhà số 42-44 nói trên do đền bù tốn kém nên đề nghị Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT và UBND quận Ninh Kiều xem xét lại quy hoạch.

Ngày 12/7/2006, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Cần Thơ có văn bản xác định, nguồn gốc đất là của ông Phan Mậu, ông Phan Xường kê khai gian dối, có dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; cán bộ phường và công chứng có dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; việc mua bán nhà, đất giữa bà Lan và ông Xường là “vi phạm pháp luật”.

Nhận xét, đánh giá là thế, nhưng cơ quan này cho rằng do vụ việc đang được tòa án thụ lý, vì thế đề nghị giao hồ sơ liên quan cho TAND TP. Cần Thơ để giải quyết theo thủ tục dân sự bằng vụ tranh chấp về tài sản thừa kế. Nếu quá trình thụ lý Tòa thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự thì có ý kiến để Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố điều tra.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra còn cho rằng, ông Phan Xường không phải là người có quyền sở hữu đối với khối tài sản nói trên. Việc ông Xường tự ý khai nhận không đúng sự thật phần đất trên là thừa kế từ vợ (bà Nguyễn Thị Hảo) để rồi đi hợp thức hóa chủ quyền đất và chuyển nhượng cho bà Út Lan mà không thông qua, không được sự đồng ý của những đồng thừa kế là hành vi gian dối, có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ông Xường đã nhận tiền bán khu nhà đất trên. Bên cạnh đó, việc bà Tịnh và các đồng thừa kế với ông Xường khi xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài không khai báo với chính quyền Việt Nam về khối tài sản trên là đúng. Vì vào thời điểm đó, khối di sản do ông Phan Mậu để lại vẫn chưa được chia thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về vấn đề này, trong đơn tố cáo gửi Thủ trưởng Cơ quan Điều tra – VKSNDTC, ông Thạch, ông Diệp và bà Lang cho rằng việc Cơ quan Điều tra Công an TP. Cần Thơ không khởi tố vụ án, khởi tố bị can là để “tội phạm” “hưởng quyền” giải quyết bằng con đường dân sự; Còn TAND TP.Cần Thơ lại không chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra có thẩm quyền để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự thực chất đã hợp thức cho việc sang nhượng trái phép của ông Phan Xường và bà Út Lan.

Trần Tố

Đọc thêm