1. Đá - một trong những tài nguyên khoáng sản có giá trị về nhiều mặt, đã trở thành biểu tượng của văn hóa, của thiên nhiên Phú Yên. Nói đến di sản đá tự nhiên, không thể không nhắc đến danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm.
Gành Đá Đĩa có diện tích khoảng 2km2, chỗ hẹp nhất 50m, nơi dài nhất 200m. Từ xa nhìn vào gành thấy những tầng đá lô nhô như vườn tượng của các nhà điêu khắc tài danh. Nhưng khi đến gần, gành là những trụ đá nơi cao, nơi thấp, hoặc thẳng đứng, hoặc hơi nghiêng nghiêng so với mặt nước biển, tạo thành một cảnh quan rất kỳ vĩ.
Đá ở gành Đá Đĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước biển, chồng lên nhau như có một bàn tay vô hình bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau. Mỗi viên đá có độ dày từ 60 đến 80cm. Do đứng nhô ra biển, quanh năm sóng vỗ nên đã tạo thành những lỗ khuyết tròn láng.
Theo các nhà khoa học, đây là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (tỉnh Phú Yên) cách đây hàng triệu năm. Cao nguyên Vân Hòa cách vị trí gành Đá Đĩa khoảng 30km theo đường chim bay. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại và xảy ra sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch.
Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình tròn, hình đa giác xếp chồng khít vào nhau như những chồng đĩa.
Xuất hiện đầy thơ mộng trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, gành Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An) không sở hữu những tầng đá ong xếp lớp lớp hùng vĩ, với những phiến đá nhiều hình dạng như gành Đá Đĩa, nhưng có vẻ đẹp tổng hòa của gành đá lóng lánh màu đen tuyền, bờ biển, đồng cỏ và những rừng phi lao chạy dài tít tắp.
Đi dọc hết bãi biển, có thể bắt gặp vách đá sừng sững nhô ra phía biển với những tầng đá thoai thoải, hạ dần độ cao đến khi bị ăn mòn bởi sóng. Trên những bậc đá, vạt cỏ khô xen lẫn vào đám cây xương rồng, theo tiếng gió và sóng tạo nên thứ âm thanh thi vị của biển cả.
2. Di sản văn hóa đá thiên nhiên ở Phú Yên còn có núi Đá Bia (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) với một tảng đá khổng lồ sừng sững trên đỉnh núi. Tảng đá ấy là một trong những biểu tượng của tỉnh Phú Yên gắn với những huyền tích lịch sử, văn hóa của một vùng đất.
Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Đặc biệt là sự kiện năm 1471, tương truyền vua Lê Thánh Tông trong hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam, khi đến núi này, vua đã cho khắc chữ vào khối đá lớn trên đỉnh núi. Từ đó núi có tên là núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn. Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào Tuyên Đỉnh đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
|
Núi Đá Bia sừng sững giữa mây trời |
Trải bao năm tháng, núi Đá Bia hằn sâu trong tâm thức các thế hệ người Phú Yên. “Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia”, “Chiều chiều mây phủ Đá Bia”, tâm hồn người xưa qua những câu ca dao ăn sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ tạo nên hồn đất, tình người của một vùng quê. Đá Bia sừng sững giữa mây trời là chứng nhân của biết bao sự kiện bi hùng của Phú Yên một thời mở nước, dựng nước và giữ nước.
Nhắc đến văn hóa đá ở Phú Yên, nếu bỏ qua di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Từ Quang (xã An Dân, huyện Tuy An) là một thiếu sót lớn. Chùa Từ Quang còn có tên tục là chùa Đá Trắng, bởi ngôi chùa tọa lạc trên ngọn núi có nhiều đá trắng (Bạch Thạch Sơn). Ngoài kiến trúc đẹp, cổ kính, tôn nghiêm, xung quanh chùa có bờ thành xếp bằng những khối đá, tạo một khuôn viên khép kín, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của ngôi chùa.
Con đường từ quốc lộ 1A dài gần 500m dẫn lên chùa cũng là con đường lát bằng những phiến đá lớn và đây là con đường đá cổ còn nguyên vẹn nhất ở Phú Yên hiện nay. Đường đá cổ này vừa có giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo nên nét đặc sắc của một ngôi cổ tự, vừa là di sản văn hóa kết tinh bằng công sức của các tăng ni, phật tử gần xa.
3. Yếu tố nhân tạo trong các di sản văn hóa đá ở Phú Yên không thể không đề cập đến hai nhạc cụ độc đáo là kèn đá và đàn đá. Kèn đá được phát hiện năm 1995 (xã An Thọ, huyện Tuy An), các nhà khoa học xác định đây là một loại nhạc khí cổ có niên đại cách đây 2.500 năm.
Kèn đá có lỗ thổi hơi vào và lỗ thoát hơi ra. Phía trong ruột lỗ có gờ hình xoắn ốc, khi thổi tạo nên âm thanh có cao độ khác nhau. Chất liệu chế tác kèn đá là đá bazan sẵn có ở địa phương.
Đàn đá là một nhạc cụ bằng đá gồm 8 thanh được phát hiện năm 1992 (ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An) có niên đại hơn 2.500 năm. Đây là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay.
Hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này là bảo vật quốc gia. Ngoài giá trị âm nhạc vô cùng độc đáo, hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này tôn vinh những chủ nhân đã chế tác ra nó, thể hiện một nền văn minh thời đồ đá mới khá rực rỡ trên đất Phú Yên.
Đá còn hiện diện trong cuộc sống của rất nhiều vùng quê ở huyện Tuy An. Hiện nay, ở nhiều địa phương như An Thọ, An Lĩnh, An Ninh Đông, An Hiệp, An Thạch… vẫn còn nhiều con đường đá, giếng đá, hàng rào đá, mộ đá, nhà kho bằng đá, đá xếp thành chồng mà không dùng chất liệu kết dính.
4. Di sản văn hóa đá dù thuộc yếu tố tự nhiên hay nhân tạo trước hết thuộc về văn hóa vật thể. Qua vật thể đá cụ thể, các di sản văn hóa đá chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học rất độc đáo. Chính hồn đá lắng sâu qua các vật thể văn hóa đá mới là nội dung quan trọng góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm linh và nuôi dưỡng tâm hồn con người.
|
Xung quanh chùa Đá Trắng có bờ thành xếp bằng những khối đá |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn - tác giả công trình nghiên cứu khoa học “Di sản văn hóa đá Phú Yên”, di sản văn hóa đá Phú Yên là sản phẩm sáng tạo, trao truyền của nhiều thế hệ, thuộc nhiều tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Thể hiện năng lực sáng tạo và được xem là những hằng số cấu thành nên môi trường sống bao bọc xung quanh con người; tác động vào nhận thức, tâm tư tình cảm của cộng đồng dân cư trong từng không gian văn hóa.
Dưới sự tác động của con người, đá tự nhiên đã trở nên hữu ích. Đá trở thành vật liệu chính để kiến thiết làng xóm; xây dựng nhà ở, tạo các vật dụng trong sinh hoạt gia đình và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - dân sinh. Mang đặc tính bền vững, đá được dùng để đặt tên cho xóm, làng, núi, sông. Đá gắn bó những lợi ích vật chất, đá đi vào đời sống tinh thần. Đá là hình tượng cho những sáng tạo trong văn học truyền thống và đại dương.
“Đá hòa vào dòng chảy văn hóa Phú Yên, tạo nên nét đặc trưng trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Sau cùng đặc tính bền vững của đá tạo môi trường sinh thái nhân văn và những di sản văn hóa đá là cơ sở để hình thành nên môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tạo tâm hồn, lối sống, cốt cách cứng rắn, bản lĩnh kiên cường của người Phú Yên”, ông Sơn cho biết.
Di sản văn hóa đá Phú Yên không chỉ làm nên vẻ đẹp, mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần cho một vùng đất. Vì vậy, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đá đã, đang và sẽ là nội dung quan trọng của tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại.