Khủng hoảng nguồn nhân lực khi mở cửa du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan vừa tổ chức Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến trong Hội thảo.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến trong Hội thảo.

Đại dịch đã làm mất đi 62/334 triệu việc làm ngành du lịch

Tại Hội thảo, đại diện Bộ VH,TT&DL cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Theo WTTC (Hội đồng lữ hành thế giới), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Theo khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng do dịch bùng phát. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%. Ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020.

Theo thống kê, khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các TP lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa. Đại dịch tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành, trong đó có nguồn nhân lực du lịch.

Đánh giá nguồn lực lao động trong ngành du lịch hiện nay, ông Phạm Văn Thủy, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch cho rằng, trải qua 2 năm đại dịch, ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Một trong số đó chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Hiện phần lớn nguồn nhân lực vì cuộc sống đã chuyển đổi sang nghề khác, nay mở cửa có những lao động tự nguyện quay lại, nhưng cũng nhiều lao động ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn nên không muốn quay lại ngành. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.

Ông Thủy cho biết, để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới, nên chăng tính đến việc mời lại những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, “cầm tay chỉ việc” cho nhân lực; đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với các ngành nghề, các địa phương. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan quản lý, khu điểm du lịch cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Cũng theo ông Thủy, đối với việc đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn khi quá trình đào tạo cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là nhân lực của ngành đã qua đào tạo. Còn với đơn vị lưu trú, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo. Với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các nhóm lao động này.

Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo du lịch

Nói về giải pháp phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong giai đoạn mở cửa, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của DN, trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại DN, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể với các vị trí việc làm hiện tại, tương lai và các thông tin liên quan khác.

Bên cạnh đó, liên kết các thông tin của DN với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội..., các cơ quan quản lý các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều lao động làm việc tại DN và đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về DN và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.

Chính phủ và các DN du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ DN và người lao động để tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Các đường dây nóng vừa tư vấn cho các DN và người lao động thiếu thông tin về vấn đề thủ tục, quy định, vừa có thể báo cáo nhanh cho các cơ quan thẩm quyền về nhu cầu thực sự của DN, của người lao động với những khó khăn hoặc các khoản hỗ trợ.

Với lực lượng lao động mới tuyển dụng, DN du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới cần rà soát lực lượng lao động cơ sở lưu trú du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn, nghiệp vụ của từng bộ phận, nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, bám sát yêu cầu trong Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để định hướng các đơn vị trong tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch. Không để tình trạng mỗi nơi đào tạo và hướng dẫn thực hành nghề theo một chuẩn khác nhau.

Đối với nguồn nhân lực du lịch kế cận, bà Bình cho rằng, cần định hướng việc làm tốt từ phụ huynh đến học sinh ngay từ khi đào tạo. Nếu định hướng việc làm chưa được chú trọng, dẫn đến nhận thức nghề kém, chất lượng nhân sự, hiệu suất việc làm và chất lượng dịch vụ kém.

Cùng với đó, củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề. Kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đảm bảo liên kết chặt chẽ, cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo.

Đọc thêm