"Thợ cắt tóc" Đàm Vĩnh Hưng đông khách chiều cuối năm
Đàm Vĩnh Hưng có nhiều cái Tết đáng nhớ, vì thế anh yêu Tết nhất trong tất cả các ngày lễ hội. Từ hồi còn bé, anh luôn mong Tết đến thật nhanh để được mặc quần áo mới và được lì xì. Đêm 30, anh cùng lũ trẻ trong xóm chạy đi lượm pháo, có khi bị cháy quần cháy áo, thế nhưng vẫn không biết sợ.
Ngày đó, nam ca sĩ sinh năm 1971 còn chuyên đi lượm pháo xịt, về tháo ra lấy thuốc nổ bên trong rồi lấy giấy tập cuộn tròn, dùng đất sét bịt phần dưới, phần trên mua một sợi dây tim gắn vào thành viên pháo tự chế để khoe với bạn bè. Cũng có khi anh dùng thuốc pháo rải thành tên mình hoặc tên người mình thích rồi châm lửa cho cháy và xịt khói mù mịt.
|
Trôi theo thời gian, Tết mỗi năm mỗi khác nhưng cái Tết nào cũng để lại cho Đàm Vĩnh Hưng nhưng kỷ niệm sâu sắc. Tết năm 1990 là cái tết nhớ đời nhất vì Mr. Đàm rơi vào tình cảnh nghèo nhất, cô đơn và bị hắt hủi nhất, trong lòng nhiều nỗi lo sợ nhất. Khi làm thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng lại chỉ chờ ngày 30 Tết, vì ai cũng ra tiệm sửa sang.
Khi trở thành "sao", vừa ham tiền, vừa muốn chứng tỏ mình, Mr. Đàm nhận lời ra Bắc hát giao thừa. Hát xong chạy về khách sạn nằm khóc vì nhớ nhà, thấy tủi thân vì ai cũng quây quần bên gia đình, riêng mình lủi thủi. Từ đó trở đi, không bao giờ anh rời Sài Gòn ngày tết.
Tùng Dương hạnh phúc đón Tết cùng cha mẹ trên đất Nga
Tùng Dương có nhiều kỷ niệm về những ngày Tết của tuổi thơ. Gần 12 năm sống xa bố mẹ, dù được đủ đầy tình yêu thương của ông, của bác, cậu bé không khỏi chạnh buồn. Bố mẹ ở Nga vài năm mới về phép một lần và thường về vào dịp Tết. Có những năm bố mẹ không về, khi mọi người chơi xuân vui vẻ, Tùng Dương lại chui vào một góc, lôi ảnh bố mẹ chụp cùng mình ra ngắm và hít hà mùi hương còn vương của mẹ trong chiếc khăn mẹ để ở nhà.
|
Tùng Dương (thứ hai từ trái sang), ngồi cạnh Mỹ Linh (trái), đang nhận lì xì trong chuyến biểu diễn tại Nga. |
Năm 1997, Dương được mời đi Nga biểu diễn vào đúng dịp Tết. Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời nam ca sĩ Con cò. Anh nhớ như in cảm giác đứng trên sân khấu của nhà hát lớn Moscow và hát Em ơi Hà Nội phố, nhìn những cặp mắt ngạc nhiên của kiều bào khi thấy một cậu bé 13 tuổi hát ca khúc trữ tình về Hà Nội sâu lắng và xúc động. Chuyến lưu diễn đó, trong đoàn còn có các đàn anh đàn chị nổi tiếng như Mỹ Linh, Đăng Dương... Tùng Dương và Mỹ Linh đã song ca Thì thầm mùa Xuân trong sự tán thưởng của khán giả.
Hải Anh cô đơn đón tết ở Nga
Nếu như Tết của Tùng Dương ở Nga là cái Tết sum vầy, trọn vẹn yêu thương thì Hải Anh từng rơi nước mắt trong ngày cuối năm lạnh lẽo ở xứ người. Đầu những năm 1990, chàng diễn viên đầu trọc được cử đi học tại Liên bang Nga.
“Cuộc sống với bao điều thú vị mới làm tôi dường như quên mất Hà Nội của mình, nơi cha mẹ ngóng tin con từng giờ. Đôi khi tôi cũng muốn sống chậm lại để nhấm nháp một chút hoài niệm về Hà Nội thân yêu nhưng cuộc sống sôi nổi, tuổi trẻ năng động tại nước Nga cuốn tôi đi nhanh” - Hải Anh nhớ lại.
|
Hải Anh thời sinh viên (phải) và Hải Anh hiện tại khi sang Nga thăm lại trường xưa. |
Cuộc sống vẫn diễn ra ồn ào cho đến những ngày cận Tết. Càng đến đêm Giao thừa anh lại càng nôn nao và nhớ nhà. Tết năm đó là cái Tết đầu tiên Hải Anh xa nhà. Cho dù xung quanh bạn bè chuẩn bị Tết đầy đủ như ở Việt Nam, cũng bánh chưng, mứt kẹo… nhưng lại thiếu một cảm giác được gần gũi người thân. Đúng vào phút Giao thừa, khi bạn bè hò reo bật champagne chúc tụng vui vẻ thì Hải Anh trốn vào một phòng khác.
“Ngồi cô đơn trên bậu cửa sổ, áp mặt vào cửa kính lạnh giá, nhìn tuyết rơi trắng sân và buồn lắm. Giây phút này, tôi cảm thấy mình nhớ nhà khủng khiếp. Bao kỷ niệm ùa về. Thời đó, hoàn toàn không dễ để gọi điện thoại về nhà. Tôi thấy hối hận vì năm qua, có những lúc vui quá, tôi đã lãng quên mất Hà Nội, lãng quên mất gia đình mình. Chỉ muốn bỏ lại tất cả để về sum họp với gia đình” - Hải Anh hồi tưởng.
Nathan Lee nao lòng nhớ Tết Hà Nội xưa
Chàng ca sĩ sinh năm 1983 cho biết, Tết bây giờ khác xa cái Tết trong ký ức của anh khi còn nhỏ. “Nhớ nhất là tiếng pháo đêm Giao thừa, nhà nhà đì đùng tiếng pháo nổ, đặc biệt là mùi pháo sẽ ám ảnh trong ký ức tôi suốt đời. Tôi không bao giờ quên cảm giác sáng mồng 1 ra đường, phố xá vắng tênh, khói hương lâng lâng, trời lạnh căm căm và khắp nơi trên những bậc thềm, trên hè đường là xác pháo đỏ tươi… Bao nhiêu sự háo hức cứ vơi dần đi theo thời gian” - Nathan Lee ngậm ngùi.
|
Nathan Lee cô đơn trong ngày Tết. |
Theo giọng ca Xinh, cái lạnh ngoài Hà Nội cắt da cắt thịt nhưng đó mới là Tết, còn ở Sài Gòn, Tết chỉ là những ngày nghỉ, vui, mọi người kéo nhau ra đường đi chơi hay đi du lịch… Nathan Lee luôn nhớ Hà Nội vì đó là nơi anh sinh ra và lớn lên, bao nhiêu phong vị Tết của tuổi thơ như mùi bánh chưng, tiếng pháo nổ, những cơn mưa xuân hây hây giá lạnh thơm mùi nhang luôn in hằn trong tâm trí. Bốn năm trước, Nathan Lee ra Hà Nội vào ngày mùng 2 Tết, thấy không khí Tết cũng không còn nhiều nhưng cái rét căm căm vẫn cho anh cảm giác hơn miền Nam nắng ấm.
Tết trong anh là màu sắc, mùi vị nhưng không trọn vẹn như những người khác đủ đầy gia đình. “Tôi chẳng bao giờ tự thưởng cho mình điều gì khi Tết đến. Tôi không thích Tết, nhất là từ khi sống và học ở nước ngoài hay khi về Sài Gòn. Tết là lúc tôi cô đơn nhất, là lúc tôi chẳng làm được gì cả. Thường thì những lúc cô đơn tôi bù đắp khoảng trống đó bằng công việc nhưng Tết thì ai cũng được nghỉ” - Nathan Lee tâm sự.
Hai năm trở lại đây anh bắt đầu đi chùa ngày Tết để tìm sự bình yên, thanh thản. “Tôi nghĩ cảm giác được tin vào điều gì đó để sống tốt hơn là một điều rất đẹp của con người. Ngày xưa tôi chỉ tin vào tình yêu, nhưng cuộc sống ngày càng phức tạp hơn” - Nathan Lee trải lòng.