Kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa ở vùng lũ

(PLVN) - Lượng hàng hóa dự trữ tại các tỉnh miền Trung vẫn đang khá ổn định để phục vụ nhu cầu của người dân và cung cấp cho các vùng bị ngập nặng. 
Lượng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo hàng ngày.

Đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đang phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, lũ cùng với đơn vị liên quan đôn đốc, rà soát các đầu mối doanh nghiệp về lượng hàng hoá cung ứng trên thị trường và tiến hành cung ứng đến địa bàn bị chia cắt, cô lập.

Các tỉnh này cũng đang chỉ đạo khắc phục nhanh các chợ để sớm hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, kiểm tra, kiểm soát chặt về hoạt động thương mại, đặc biệt là giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Báo cáo ban đầu cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu không có biến động nhiều. Tuy nhiên, nguồn rau, củ, quả khan hiếm do vùng trồng rau tại các tỉnh bị ảnh hưởng ngập lụt, hiện đang huy động từ Đắk lắk, Đà Lạt xuống.

Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, số liệu báo cáo cho thấy, lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu gồm 1.700 tấn gạo; 2.000 gói mì; 2.000 thùng nước uống; 360.000 lít xăng; 270.000 lít dầu. Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh này đang rà soát các đơn vị để đề nghị thực hiện dự trữ đầy đủ các mặt hàng được giao, chủ động, sẵn sàng phục vụ ứng cứu.

Sở Công Thương Hà Tĩnh đã huy động hàng hóa thiết yếu cứu trợ nhân dân, bao gồm 12.000 thùng mì tôm, 10.100 két nước uống đóng chai (mỗi két 24 chai loại 0,5 lít), 2.000 két nước uống đóng chai (mỗi két 6 chai loại 1,5 lít); 20 tấn gạo để ứng cứu nhân dân vùng lũ tại huyện Thạch Hà, Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh trong ngày 21/10/2020. 

Ngày 22/10/2020, Sở Công Thương Hà Tĩnh nhận Lệnh huy động của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, huy động 6,5 tấn gạo, 2.068 thùng mì tôm, 1.600 két nước uống đóng chai để ứng cứu nhân dân vùng lũ thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh.

Báo cáo cũng cho thấy, giá thịt lợn và rau củ quả không có biến động, tuy nhiên, các loại rau củ vẫn còn khan hiếm hàng do ngập lụt ảnh hưởng lớn tới cung ứng và tăng giá nhẹ từ 3000 - 5000 đ/bó. Đại diện Sở này cũng cho biết, hiện Hà Tĩnh vẫn đảm bảo lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu gồm 870 tấn gạo; 25.000 thùng mì tôm; 19 tấn lương khô; 57.340 lít nước uống đóng chai; 380.000 lít xăng; 250.000 lít dầu; 13.000 bạt chống xói.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã xuất cấp từ dự trữ 11.000 thùng mì tôm; 1.500 thùng nước và 1.000 thùng sữa tới huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh trong ngày 21/10/2020. Lượng hàng hóa xuất cấp sẽ tiếp tục được bổ sung và cung cấp từ các siêu thị. Các doanh nghiệp trong kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu vẫn có thể đáp ứng khi có yêu cầu.

Hôm qua (22/10), Sở Công Thương Quảng Bình cũng đã triển khai xuất cấp hỗ trợ 2.400 thùng mì tôm; 1.000 thùng nước loại 1,5l và 1.000 thùng sữa tới huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa. 

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương cấp hàng hóa dự trữ phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho huyện Đakrông (1.200 thùng mì ăn liền; 12 tấn gạo tẻ; 3.600 chai nước uống loại 500ml. Ở địa bàn huyện Hướng Hóa, số lượng được xuất cấp bao gồm:1.400 thùng mì ăn liền; 14 tấn gạo tẻ; 4.200 chai nước uống 500ml. Sở Công Thương đang hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp bàn giao số lượng hàng trên cho UBND các huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa. 

Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo, số liệu xuất cấp mỗi ngày hỗ trợ các địa bàn khó khăn đều được sử dụng gần hết và được bổ sung hàng ngày. Theo số liệu ngày 22/10/2020 của Vụ Thị trường trong nước (TTTN, Bộ Công Thương), tại đây, số lượng gạo dự trữ vẫn ở mức 510 tấn; 61.000 thùng mỳ tôm, 3.500 hộp đồ hộp các loại. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mới quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô được cung cấp để cấp phát cho người dân trên địa bàn. 

Nắm tình hình mỗi ngày

Trả lời PLVN, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ TTTN cho biết, mỗi ngày, Bộ liên lạc nhiều lần với Sở Công Thương các tỉnh nằm trong vùng bão lũ để nắm tình hình hàng hóa, thuận lợi cho công tác điều tiết phân phối hàng hóa để đảm bảo nguồn cung, thông suốt các địa bàn. Hàng ngày đều có báo cáo tổng kết số lượng cấp đến và hàng tồn để có cơ sở điều tiết hàng hóa cho ngày hôm sau. 

Ông Tuấn cũng khẳng định, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến; Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; Thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt đề phòng tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Trước đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu; Dự báo nhu cầu tại các khu vực, tỉnh sẽ tiếp tục chịu tác động của lũ lụt và biện pháp ứng phó khi lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; Tập trung vào nắm bắt tình hình cung cầu và hệ thống phân phối các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa mưa, lũ và chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt và đảm bảo cung cấp kịp thời cho nhân dân trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ.

Đọc thêm