Kiên Giang Chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xác định chuyển đổi số là xu hướng phát triển của thời đại, mở ra nhiều cơ hội để tỉnh phát triển, Kiên Giang đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Từ đó hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
Kiên Giang Chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang, đến nay tỉnh hoàn thành tích hợp 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tỉnh cung cấp trên 2.000 thủ tục hành chính, công khai đầy đủ nội dung theo quy định, kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 100%.

Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai tại các cơ quan nhà nước, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và 100% UBND huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Số lượng chữ ký số chuyên dùng chính phủ đến cuối tháng 11/2023 có trên 4.200 chữ ký số đang hoạt động, trong đó có hơn 3.700 chứng thư số của cá nhân và 502 của tổ chức.

Tỉnh Kiên Giang đã đưa vào sử dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc trên môi trường mạng (phòng họp không giấy) tại Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đang triển khai mở rộng tại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Hiện có 100% doanh nghiệp đã triển khai hóa đơn điện tử; khai báo thuế điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng; triển khai 100% đến các đơn vị trường học trải nghiệm tiện ích các phần mềm quản lý trường học (vnEdu, Smas).

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, Phó Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu.

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, Phó Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số và đô thị thông minh tại các thành phố Phú Quốc, thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên để nhân rộng mô hình đến các huyện còn lại trong tỉnh. Đồng thời, phấn đấu tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính...

Ngoài ra, Kiên Giang cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 60%; hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 70%; người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 60%; dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 40%; người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 80%…

Để thực hiện mục tiêu này, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức phổ biến, triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử; ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4). Xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang và Trường Đại học Kiên Giang ký thỏa thuận hợp tác xây dựng các chiến lược, phát triển Chính quyền số phát triển Kinh tế số và Xã hội số.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang và Trường Đại học Kiên Giang ký thỏa thuận hợp tác xây dựng các chiến lược, phát triển Chính quyền số phát triển Kinh tế số và Xã hội số.

Theo ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang, đến nay, 100% ấp/xã được phủ sóng mạng thông tin di động, dịch vụ truy cập internet băng rộng di động. Tổng thuê bao kết nối Internet băng cố định và di động năm 2023 ước đạt trên 1,5 triệu thuê bao.

“Trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai hạ tầng mạng di động 5G; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số”, ông Trung cho biết thêm.

Đọc thêm