Kiên Giang khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND tỉnh Kiên Giang ngày 9/6 tổ chức Hội nghị trực tuyến với 15 huyện, thành phố về sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh chủ trì Hội nghị. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo cáo sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ngân hàng: Nhà nước Việt Nam tỉnh; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chính sách - Xã hội tỉnh; đại diện 05 Hợp tác xã; 05 doanh nghiệp tiêu biểu cùng tham dự.

Giai đoạn 2019 - 2020, có 219 HTX nông nghiệp trồng lúa hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Trung An Kiên Giang; Công ty Nông Việt Pháp; Công ty Vạn Trường Phát và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác..., với tổng diện tích 37.273 ha. Liên kết theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên các địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn này là 156 cánh đồng với 63.923 ha.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Năm 2022, toàn tỉnh xây dựng được 693 cánh đồng với diện tích 109.332 ha; trong đó cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ là 502 cánh đồng với diện tích 74.439 ha. Đến năm 2023, toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 717 cánh đồng với diện tích 82.585,74 ha. Trong đó, có 27.087 ha sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận (SRP, Hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP), kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật,...

Đến nay, toàn tỉnh có 45 trang trại chăn nuôi có liên kết tiêu thụ, trong đó co11 trang trại gà, với 329.800 con và 34 trang trại heo, với 255.571 con, tập trung chủ yếu tại cá huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Giang Thành và Gò Quao. Bên cạnh đó, sản phẩm có tiềm năng liên kết tiêu thụ là yến sào, toàn tỉnh có khoảng 2.450 hộ nuôi chim yến, với 2.995 nhà nuôi. Sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 ước đạt 17.500 kg; đối với nuôi trồng thủy sản, Kiên Giang có khoảng 293.625 ha, với sản lượng hằng năm khoảng 320.477 tấn/năm.

Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản, tỉnh Kiên Giang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dành cho hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chính sách tiếp cận vốn, chính sách xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, chính sách đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính sách thành lập mới hợp tác xã; chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng chế biến sản phẩm…

Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản của các tổ chức quốc tế, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh Kiên Giang đã được triển khai như: Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo các huyện vùng tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kiên Giang; dự án trung tâm đổi mới sáng tạo xanh…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, của tỉnh trong thời gian qua, trong đó có vai trò quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục chọn lọc sản phẩm chủ lực là lúa, tủy sản, cây ăn trái, rau củ quả,.. để hỗ trợ phát triển liên kết gắn với sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản, đảm bảo thành lập mới và huy động trên 50% các HTX nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản. Có khoảng 70% sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để phân phối hàng hóa, phát triển thị trường.

Cùng với đó, hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi liên kết được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với cấp mã vùng trồng. Phấn đấu HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, Nghị Quyết số 340/2020/NQ-HĐND và Kế hoạch số 88/KH-UBND để đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả;

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và HTX; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” và các chương trình, đề án của tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành khai thác chính sách liên kết tiêu thụ, nghiên cứu chỉ đạo sản xuất nâng dần số lượng sản phẩm chủ lực của tỉnh vào danh mục sản phẩm chủ lực của quốc gia;

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo củng cố hoạt động các HTX hiện có, thành lập mới các HTX tại các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đạt tiêu chuẩn chứng nhận đáp ứng yêu cầu phía đối tác doanh nghiệp; phối hợp với ngành chuyên môn và các doanh nghiệp xây dựng dự án liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Đọc thêm