Kiên Giang :Mệnh lệnh hành chính cản trở thi hành án

Dư luận tại TP Rạch Giá - Kiên Giang xôn xao chuyện chính quyền lấy hẻm công cộng cấp cho một quan chức trong tỉnh gây bít lối đi của bà con trong hẻm. Đâu là sự thật của vụ việc, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu...
Dư luận tại TP Rạch Giá - Kiên Giang xôn xao chuyện chính quyền lấy hẻm công cộng cấp cho một quan chức trong tỉnh gây bít lối đi của bà con trong hẻm. Đâu là sự thật của vụ việc, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu.

Năm 1984, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang (Tỉnh đội Kiên Giang- Tỉnh đội) qui hoạch một khu đất thuộc quyền quản lý của mình để làm khu dân cư, giải quyết nhà ở cho một số sỹ quan Tỉnh đội tại khu phố 4-Vĩnh Lạc-Tp Rạch Giá. Theo qui hoạch, khu đất được phân thành 2 lô: Lô 1 có mặt tiền giáp đường Lâm Quang Ky, lô 2 liền kề có mặt hậu giáp biển. Giữa 2 lô có một lối thông hành địa dịch rộng 3 mét để lưu thông ra đường Lâm Quang Ky.

Năm 2000, Đại tá Trần Nhiều từ Quân Khu 9 được điều về làm Tỉnh đội trưởng và ông cũng được cấp đất thuộc lô 1. Do chưa xây dựng nên đất của Đại tá Nhiều bỏ trống. Lính của Đại tá Nhiều là ông Hồ Ngọc Qui xây nhà trên phần đất được cầp ở lô 2, giáp hậu với đất của ông Nhiều. Do đất của ông Nhiều chưa xây nên gia đình ông Qui dùng làm lối đi vì tiện hơn theo lối thông hành địa dịch. Thành ngữ “Không có đường, do người đi mới có đường” đúng trong trường hợp này.

Năm 2003, tỉnh Kiên Giang đưa vào khai thác khu dân cư lấn biển, mặt hậu lô 2 của dự án nhà sỹ quan thành mặt tiền đường Châu Văn Liêm. Cư dân lô 2 đều lưu thông qua đường Châu Văn Liêm, thông hành địa dịch 3 mét bề ngang trở nên vô dụng và được hợp thức hóa thành đất tư. Đại tá Nhiều bị trọng bệnh phải nghỉ dưỡng theo chế độ. Lúc này ông mới sử dụng khu đất được cấp, nhưng lính của ông ngăn cản cho rằng lối đi trên đất của ông là hẻm công cộng?! Ông Qui còn dùng cọc bê tông rào lại một lối đi ngang 0,3 mét dài suốt chiều dọc của đất của ông Nhiều. Không hòa giải bằng tình đồng đội được, ông Nhiều khởi kiện ra tòa. Qua 2 cấp xét xử, căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy CNQSĐ, Công văn 192 ngày 20/08/2010 của UBND TP Rạch Giá, kết quả thẩm định thực tế, cả hai phiên tòa đều tuyên buộc vợ chồng ông Qui phải tháo dỡ toàn bộ cọc bê tông trả lại đất cho ông Nhiều.

Vợ chồng ông Qui không tự nguyện nên ngày 21/4/2011, Chi Cục THADS Tp Rạch Giá ra Quyết định cưỡng chế thi hành án số 48 đối với Bản án dân sự phúc thẩm ngày 5/1/2011 của TAND tỉnh Kiên Giang. Công tác cưỡng chế đang được tiến hành thì có chỉ đạo từ UBND tỉnh tạm ngưng THA? Ngày 25/6/2011, Chi Cục THADS Tp Rạch Giá ra thông báo tạm dừng THA với lý do: Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tạm dừng để trình Ban chỉ đạo THA tỉnh xem xét giải quyết.

Xung quanh chỉ đạo này có nhiều khuất tất, thứ nhất là chỉ đạo miệng chứ không bằng văn bản. Theo luật định, thẩm quyền tạm dừng THADS để xem xét giải quyết thuộc về TANDTC và VKSNDTC chứ không thuộc thẩm quyền UBND. Một chấp hành viên THA (xin giấu tên) bức xúc: “Công tác THHADS mặc dầu đã có luật, thế nhưng thực tế còn nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bởi những chỉ đạo như trường hợp trên. Những chỉ đạo xen ngang bằng mệnh lệnh hành chính này đẩy THA vào thế tiến thoái lưỡng nan, gây thiệt hại, nghi ngờ, bức xúc cho người dân”.

Theo tìm hiểu của PLVN, sự can thiệp của mệnh lệnh hành chính này có dấu hiệu của mối quan hệ cá nhân. Hơn nữa, ông Qui tố cáo TP Rạch Giá đã bao che cho ông Nhiều giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt đất của nhà nước. Những tố cáo này tại sao ông Qui không trưng ra tại hai phiên tòa hay cơ quan quản lý ông Trần Nhiều?

 Dư luận bức xúc cho rằng đây là một cách hành xử theo kiểu “Dậu đổ, bìm leo ” và cám cảnh cho Đại tá Trần Nhiều nay bệnh tật, không còn Tỉnh Đội trưởng, Tỉnh ủy viên nên…

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Kiên Giang nên xem xét cẩn trọng vụ việc để pháp luật được thực thi, bảo vệ quyền lợi, danh dự một cựu binh có nhiều cống hiến cho đất nước.

Ngọc Long

Đọc thêm