Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc lại quy định về giới hạn cứng thời hạn tối thiểu của hợp đồng lao động của đăng kiểm viên. Quy định này suy đoán, nhằm đảm bảo tính ổn định cũng như chứng minh được doanh nghiệp thực sự có người lao động là đăng kiểm viên. Tuy nhiên, việc áp đặt thời hạn hợp đồng tối thiểu 12 tháng dường như là sự can thiệp vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp đăng kiểm và người lao động (hai bên trong mối quan hệ lao động có thể thỏa thuận về thời hạn hợp đồng, loại hợp đồng được ký kết).
Mặt khác, về phương diện quản lý, Nhà nước chỉ cần đặt ra yêu cầu “mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao” là đủ để kiểm soát các yếu tố có thể tác động đến lợi ích công cộng và có thể kiểm tra thông qua hậu kiểm quy trình, dây chuyền kiểm định của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Vì vậy, VCCI đề nghị xem xét bỏ cụm từ “các đăng kiểm viên này làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên”.
Về thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định về cấp lại trong trường hợp đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có sự thay đổi về: Vị trí, mặt bằng, xưởng kiểm định, bố trí dây chuyền kiểm định khác với hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đã được cấp hoặc thay đổi về thiết bị kiểm tra làm ảnh hưởng đến số lượng dây chuyền kiểm định được hoạt động; Nhân sự làm ảnh hưởng đến số lượng dây chuyền được hoạt động. Khi đó, doanh nghiệp phải thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo VCCI, cần quy định rõ về trình tự thủ tục cấp lại trong các trường hợp trên, bởi quy định trong Dự thảo chưa đủ rõ ràng, không rõ hồ sơ phải gửi là gì, trình tự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền ra sao (thời gian xem xét hồ sơ và cấp lại).