Kiến nghị luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch COVID-19

(PLVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) vừa có văn bản 270/LĐLSVN gửi Thủ tướng Chính phủ; UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương kiến nghị luật sư thuộc nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ thiết yếu của xã hội trong phòng chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa

Theo Văn bản của LĐLSVN, thực hiện Chỉ thị16/CT-TTG ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh thiết yếu, ngày 03/4/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại mục 2 Công văn có nêu: “các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm... được tiếp tục hoạt động, - Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch”.

Tiếp theo Bộ Tư pháp ban hành Công văn 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư được tiếp tục hoạt động

LĐLSVN là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp thành lập theo Quyết định 76/QĐ-TTG ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay số lượng luật sư đang hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội là hơn 16.000 người đang hoạt động trên lĩnh vực tranh tụng và tư vấn pháp luật.

Theo Văn bản của LĐLSVN, thời gian qua, đội ngũ luật sư đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của UBND các tỉnh, thành phố trong việc giãn cách xã hội và thực hiện 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong tình hình hiện nay, các sơ quan tiến hành tố tụng các cấp vẫn tiến hành các hoạt động khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội nên vẫn ban hành các văn bản triệu tập, Quyết định khởi tố, truy tố, xét xử, yêu cầu luật sư tham gia tố tụng ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chính quyền ở một số tỉnh, thành phố không đưa luật sư thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường nên luật sư không thể tham gia các hoạt động dịch vụ tư vấn hay tham gia tố tụng theo yêu cầu thiết yếu nêu trên khiến cho các hoạt động tố tụng không được bình thường.

Thực tiễn cho thấy ngay trong hoàn cảnh phòng chống đại dịch COVID-19 hiện nay, nhu cầu của người dân và xã hội đang rất cần sự hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Các nhu cầu này cần phải được đáp ứng đồng thời với việc phòng chống dịch COVID-19 của từng địa phương và trong cả nước,

Từ thực tế nêu trên, căn cứ nội dung Chỉ thị16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ và Công văn 1221/BTP-PLHSHC của Bộ Tư pháp, LĐLSVN đề nghị. Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xác định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, tham gia tố tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư cho các chủ xã hội đang diễn ra hàng ngày là một trong những dịch vụ thiết yếu trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội từng địa phương.

Đồng thời kiến nghị đưa Luật sư, người lao động trong các tổ chức hành nghề luật sư vào nhóm được sử dụng giấy đi đường do tổ chức hành nghề luật sư duyệt để được phép di chuyển trên đường, qua các chốt kiểm soát dịch nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý Nhà nước,

Văn bản của LĐLSVN cũng cam kết: “Các đối tượng nêu trên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống địch của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố quy định…".

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm