Liên đoàn Luật sư Việt Nam: 10 năm một chặng đường

(PLVN) - Ngày 9/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sự Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2009-2019). Đây cũng là dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1954 -10/10/2019). 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.

10 năm phát triển hơn 13.000 luật sư 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Luật sư Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh, “10 năm là một chặng đường, tuy không dài nhưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho thấy vị trí, vai trò, năng lực của đội ngũ luật sư. Lực lượng này đã cùng nhau đóng góp thực hiện chức năng xã hội cao quý, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có thể khẳng định, ít có nghề nào trong xã hội như nghề luật sư nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Một hệ thống văn bản pháp lý từng bước hoàn thiện, được ghi nhận từ Hiến pháp tới Luật và các văn bản dưới Luật, đã tạo một hành lang pháo lý đồng bộ cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư ở Việt Nam”. 

Luật sư Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
 Luật sư Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ, nghề luật sư đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong năm 2009, khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, chỉ có hơn 5.000 luật sư. Thế nhưng hiện tại, con số này đã lên đến hơn 13.000 luật sư, số lượng luật sư tăng đều mỗi năm hơn 700 luật sư. Tăng cường về số lượng, nhưng bên cạnh đó phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những giá trị cốt lõi tạo nên chất lượng, uy tín và thương hiệu của đội ngũ luật sư. Có thể khẳng định, đa số các luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề luật sư…

Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là giá trị cốt lõi

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đánh giá cao các kết quả hoạt động tích cực của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời biểu dương những đóng góp của các đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sự trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng LĐLS Việt Nam
 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng LĐLS Việt Nam

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thường trực cũng lưu ý một số điểm:

Thứ nhất, mỗi luật sự cần tích cực học tập rèn luyện, không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đáp ứng môi trường hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần thực hiện nghiêm túc các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, thật sự gương mẫu, nêu gương trong chấp hành pháp luật, đấu tranh không khoan nhượng đối với mọi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp…

Thứ hai, các đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động nghề nghiệp của các luật sư trực thuộc. Có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ các luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ngăn ngừa các sai phạm, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những luật sư thoái hoá, biến chất, lợi dụng hoạt động luật sư để trục lợi bất chính, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. 

Thứ ba, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các quy định của Luật luật sư năm 2006 (được sửa đổi và bổ sung năm 2012), trong đó có 19 nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn được Luật quy định. Trước mắt, tiếp tục rà soát lại các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kịp thời hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư. Chuẩn bị kế hoạch phát triển, đào tạo luật sư giai đoạn sau 2020…

Phó Thủ tướng thường trực và các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm
 Phó Thủ tướng thường trực và các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm

Thứ tư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư cần chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội nhiệm kỳ các đoàn luật sư, tiến tới Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III. Đây là một dịp quan trọng để đánh giá đầy đủ, toàn diện về đội ngũ luật sư và hoạt động luật sư hiện nay, trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động thích hợp, hiệu quả cho nhiệm kỳ mới. Nếu tổ chức thành công Đại hội sẽ tạo đà phát triển mới cho đội ngũ luật sư Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ năm , Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên đoàn Luật sư, đội ngũ luật sư hoạt động theo đúng pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng LĐLS Việt Nam vì đã có nhiều thành tích trong công tác xây dựng, phát triển, tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đọc thêm