Kiến nghị thẩm định lại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật Bảo vệ Môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 11 Hiệp hội DN (HHDN) cùng ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tưởng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ ngành liên quan góp ý, kiến nghị một số nội dung lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020.
Kiến nghị thẩm định lại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về Luật Bảo vệ Môi trường

11 HHDN đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam (VN) gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN; Hiệp hội Dệt may VN; Hiệp hội Sữa VN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN; Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN; Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM; Hội DN Hàng VN chất lượng cao; Hiệp hội Chè VN, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN; Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN

Lo ngại phát sinh thủ tục hành chính

Các HHDN cho biết, các Hiệp hội đã, đang và sẽ luôn ủng hộ và cam kết việc tuân thủ pháp luật BVMT, phát triển bền vững để không chỉ hội nhập tốt hơn, môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, các HHDN đặc biệt quan tâm và đã có nhiều góp ý trực tiếp đến Bộ TN&MT về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật trong suốt thời gian qua.

Dự thảo ngày 5/10/2021 là phiên bản chỉnh lý sửa đổi sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021. Mặc dù Dự thảo lần này đã có nhiều sửa đổi so với Dự thảo trước đó, nhưng sau khi các DN và chuyên gia nghiên cứu kỹ thì thấy vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

“Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho DN cho phát triển đất nước mà đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính và “cần làm rõ cơ sở pháp lý” ở một số nội dung đúng như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã nêu…”, Văn bản nhấn mạnh.

Nghị định không được quy định vượt quá Luật

Theo văn bản, qua buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp ngày 6/10/2021, bản Dự thảo sửa đổi sau thẩm định (5/10), các HHDN tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số vấn đề nguyên tắc.

Thứ nhất, Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật BVMT, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Thứ hai, Bộ Tư pháp cần thẩm định lại toàn bộ các nội dung còn chưa đúng, chưa phù hợp với các quy định pháp luật và thực tế, nêu trong Báo cáo thẩm định ngày 6/10/2021 đã được Dự thảo điều chỉnh hay chưa, hoặc có thêm điểm mới nào chưa phù hợp.

Thứ ba, Dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công văn 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh”, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với DN.

6 kiến nghị cụ thể

Ngoài kiến nghị chung, tại văn bản này, các HHDN đưa ra 6 kiến nghị cụ thế.

Thứ nhất, cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Theo các DN, thủ tục cấp GPMT trong Dự thảo rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin-cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam mà không đạt được mục đích BVMT tốt hơn, và chỉ dựa vào tiền kiểm, nên không có nhiều hiệu quả quản lý.

Thứ hai, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn VN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư-kinh doanh và hoạt độngcủa DN.

Đơn cử như quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư áp dụng với cả DN đã hoạt động từ trước đây, nếu có dân đến ở gần thì DN phải di dời nhưng chi phí di dời do ai trả thì không đề cập - mâu thuẫn với Luật Đầu tư và không phù hợp với thực tiễn.

Hay quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (Điều 100). “Không rõ Dự thảo dựa vào căn cứ nào để đưa ra các mức phải quan trắc tự động. Dự thảo ngày 20/7, đưa ra mức nước thải 500m3/ngày đêm, dự thảo ngày 10/8 giảm xuống còn 200m3, dự thảo 5/10 đưa trở lại 500m3.Quy định hiện tại đang ở mức 1.000m3/ngày đêm. Trong khi đó quan trắc tự động rất tốn kém về chi phí đầu tư (tiền tỷ), chi phí vận hành, và Dự thảo cũng không phân biệt giữa các loại nước thải ít ảnh hưởng đến môi trường (như nước rửa cá) với nước thải ảnh hưởng nhiều đến môi trường (sơn mạ)…”, Văn bản nêu cụ thể.

Một quy định vừa là “bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy”, theo các HHDN, quy định này sẽ dẫn đến hàng loạt nhà máy sẽ phải đóng cửa từ 1/1/2026 vì không có bao bì để đóng gói, vật liệu để sản xuất; và nhiều quy định bất hợp lý khác.

Thứ ba, các HHDN đề nghị bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật BVMT 2020, không có cơ sở pháp lý; làm tăng biên chế bất hợp lý; quy chế hoạt động có nhiều điểm trái với các Luật hiện hành.

Các HHDN cũng nhắc lại trong Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp ngày 6/10/2021, Bộ Tư pháp cũng nêu rất rõ quan ngại về Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do những điểm nêu trên…

Thứ tư, cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải”, do các quy định trong Dự thảo sử dụng khoản đóng góp này, theo các DN là không đúng mục đích và trái luật.

Thứ năm, điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, không để mức quy định thiếu phù hợp, chưa rõ cơ sở khoa học, thiếu công bằng, phí chồng phí, gây khó khăn cho DN, tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Các HHDN đề nghị bỏ yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom và tái chế đạt một tỉ lệ nhất định hay đóng góp tái chế cho sản phẩm/bao bì tự phân hủy sinh học (bởi chúng không có hại với môi trường) hoặc sản phẩm/bao bì có giá trị thương mại khi hết thời gian sử dụng như thiết bị kim loại, ô tô, xe máy cũ (bởi không tự thu gom được do người sở hữu thường bán chứ không thải bỏ)

Thứ sáu, lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các DN có thời gian phục hồi sau đại dịch COVID-19

Trong đơn, các Hiệp hội DN bày tỏ mong nhận được sự quan tâm xem xét và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, để VN có được một Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp BVMT và tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Đọc thêm