Bảo hiểm cho cuộc sống
Dư luận chưa quên, vài năm trước, với Nghị quyết của Chính phủ, một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ đã được mở ra, vận động toàn dân đội MBH mỗi khi tham gia giao thông. Dù lúc đầu đã có những phản ứng tiêu cực, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, sự tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan thông tấn báo chí, đã bớt dần những lực cản quanh chiếc MBH.
Trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, hình ảnh người tham gia giao thông với chiếc MBH đã trở nên quen thuộc, góp phần đáng kể kéo giảm số vụ TNGT và đặc biệt, giảm đáng kể số người thương vong do TNGT. Chiếc MBH đã thực sự trở thành “cứu tinh” cứu sống nhiều con người, giảm gánh nặng đau thương cho nhiều gia đình và hơn thế, cũng là giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Với hành động đội MBH lên đầu mỗi khi ra đường, bản thân người tham gia giao thông cũng kiềm chế, bình tĩnh và thận trọng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông và thật đúng là “tích tiểu thành đại”, liên tục nhiều năm liền Việt Nam đã kéo giảm được số vụ TNGT, giảm số người chết và bị thương.
Luận về “một chiến dịch”
Nhưng, quanh chiếc MBH, chuyện trái khoáy không phải đã hết. Sau một thời gian áp dụng, thói quen dùng MBH trong người dân đã hình thành cũng như thực tế chứng tỏ hiệu quả to lớn thì lại nảy sinh những “biến tướng” quanh chiếc MBH.
Một trong những “biến tướng” nghiêm trọng nhất của câu chuyện MBH chính là việc tràn lan những chiếc mũ... na ná MBH nhưng... không thể bảo vệ cho người tham gia giao thông khỏi những va chạm nếu xảy ra TNGT, hay nói chính xác hơn, đó không phải là MBH mà chỉ có thể gọi là “mũ nhái MBH”.
Ban đầu, những chiếc “mũ nhái MBH” này xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của... giới trẻ. Nhiều người trong số họ, khi đi chơi, đi học trên xe máy không thích phải dùng một chiếc MBH dày, nặng, kín - dù nó có đầy đủ chức năng bảo hiểm, phòng chống thương tích - mà chỉ cần một chiếc mũ có dáng vẻ ngoài giống MBH nhưng phải mỏng, nhẹ và rẻ tiền.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu này, các “nhà sản xuất” ngay lập tức tung ra thị trường những chiếc “mũ nhựa” - chỉ có một lớp vỏ nhựa - với đủ màu sắc sặc sỡ, thời trang. Tuyệt đại những chiếc mũ như thế... chỉ là chiếc mũ, chỉ đủ che mưa nắng, nhẹ đầu và nhẹ túi tiền nhưng một khi TNGT xảy ra, nó không thể làm giảm chấn thương sọ não, ngăn chặn thần chết vì thiếu lớp đệm giảm xung lực, thiếu lớp vỏ và khung đủ cứng để bảo vệ phần đầu của người đội mũ.
Có thể nói, khi xã hội hình thành thói quen đội MBH thì ngay sau đó, cũng hình thành một “nết xấu” là xài... MBH nhái. Bất cứ ai, chỉ cần vài chục nghìn đồng là có ngay một chiếc MBH nhái để đội đầu, ung dung ra đường mà không gặp bất cứ một sự cản trở nào. Và, có một dạo khắp 63 tỉnh thành nhan nhản những cửa hàng, những sạp vỉa hè la liệt MBH nhái, cung cấp rất nhanh cho bất cứ ai đi đường song cũng... bóp chết một cách tàn khốc những DN chuyên sản xuất MBH xịn.
Hậu quả sau đó đưa đến thật nhãn tiền: Dù số vụ TNGT có được giảm ít nhiều, nhưng số vụ chấn thương sọ não nghiêm trọng do dùng MBH nhái đã tăng vọt, trong khi đó ngành sản xuất MBH - gồm cả DN trong nước và DN có vốn nước ngoài - bị đẩy vào thế đình trệ, có nguy cơ phá sản bởi cũng không thể “chống đỡ” được với “làn sóng” mũ nhựa rẻ tiền, sản xuất nhanh và nhiều.
Đừng đổ lỗi cho dân
Cách đây chừng hơn 1 năm, khi ngành quản lý thị trường mở chiến dịch tấn công các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ nhái MBH, bên cạnh rất ít tiếng nói ủng hộ lại có quá nhiều sự dè bỉu, chê bai và nghiêm trọng hơn, là sự thiếu hợp tác của nhiều cơ quan chức năng có liên quan.
“Chúng tôi thật đơn độc, dù chiến dịch này hoàn toàn vì quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, vì lợi ích chung của quốc gia” - một vị lãnh đạo ngành quản lý thị trường đã tâm sự đầy ngậm ngùi. Cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH dởm, MBH không đạt chất lượng và cả mũ nhựa “đội lốt” MBH.
Chiến dịch quyết liệt của quản lý thị trường chỉ ít ngày sau đó đã “quét sạch” những cửa hiệu, sạp mũ vỉa hè vốn bấy lâu tung hoành với mũ nhựa giá rẻ, không chỉ trả lại vỉa hè thoáng đãng mà quan trọng hơn, hướng một bộ phận người dân tìm đến MBH xịn và “cứu nguy” ít nhiều cho ngành sản xuất MBH vốn đã rơi vào thế phá sản.
Điều đáng tiếc hơn cả, là khi người dân đã hiểu và đồng tình với quản lý thị trường, thì cơ quan quản lý tiêu chuẩn chất lượng và CSGT vẫn tiếp tục tư duy “dễ làm khó bỏ”. Hỏi cán bộ CSGT, nhiều người kêu khó mà xử phạt người tham gia giao thông khi họ đội mũ nhựa, mũ nhái MBH; thậm chí, “không đủ sức mà dừng xe xử lý bởi có quá nhiều người như thế”.
Hỏi bên tiêu chuẩn chất lượng, thì chỉ có sự buông thõng “tất cả đã có quy định pháp lý rồi, cứ chiếu theo quy định mà làm”. Hỡi ơi, lấy đâu ra người, ra phương tiện kỹ thuật đặt ở các chốt giao thông để... thử xem mũ nào là mũ xịn, mũ nào là mũ dởm? Đến khi ngành quản lý thị trường quyết liệt “chỉ cần anh dừng xe kiểm tra, chúng tôi sẽ chỉ đâu là MBH dởm, là mũ nhái và các anh cứ thế xử phạt” thì cả cơ quan tiêu chuẩn chất lượng lẫn giao thông lại... cùng lảng tránh. Vì ngại phiền phức? Vì ngại trách nhiệm? Không rõ, chỉ biết rằng dư luận cực kỳ nhạy cảm với sự “vênh nhau” giữa các cơ quan chức năng bên lề chiếc MBH bởi chỉ ít ngày sau đó, những sạp mũ nhựa lại “tái xuất giang hồ” ở Hà Nội, TP.HCM và lượng MBH xịn “dội về” DN sản xuất cũng tăng vọt.
Phải làm cho dứt khoát
Theo kế hoạch 69 của Ủy ban ATGT quốc gia, từ ngày 25/5 đến 19/6/2014, các cơ quan chức năng tập trung xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH dỏm. Từ ngày 15/6, CSGT sẽ dừng xe người dân không đội MBH có đủ ba lớp vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. Và bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây, CSGT sẽ xử phạt việc đội MBH không đạt chất lượng, mức phạt bằng mức với hành vi không đội MBH được quy định trong Nghị định 171 (200 ngàn đồng/lần vi phạm).
Kế hoạch 69 cũng ưu tiên tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội việc đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH. Người đội những mũ không có đủ 3 lớp (vỏ mũ - đệm hấp thụ xung động bên trong - quai mũ), không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR đều sẽ bị xử phạt. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội phải cam kết cá nhân và người thân trong gia đình sử dụng MBH đúng quy chuẩn.
Ủng hộ cho chiến dịch mới nhằm tạo bước chuyển biến đáng kể về chất trong việc đội MBH khi tham gia giao thông, cũng cần chỉ ra một số câu hỏi cần được cơ quan chức năng - nhất là Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - sớm dự liệu và có hướng xử lý. Trước tiên, chắc chắn sẽ có đột biến tăng về nhu cầu mua MBH đạt quy chuẩn và chất lượng. Vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có kế hoạch gì đáp ứng nhu cầu của người dân hay lại để xảy ra tình trạng “cháy hàng”, đầu cơ hàng khiến dân trở tay không kịp?
Từ nay đến 1/7 không còn dài, việc tuyên truyền tuy thế vẫn khá mờ nhạt, trầm lắng; đến thời điểm đã định, liệu có xảy ra cảnh ùn tắc giao thông, lộn xộn tranh cãi khi sẽ có quá nhiều người bị dừng xe, kiểm tra và xử phạt? Và với nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, nên chăng cần sửa đổi theo hướng tăng nặng chế tài và hình thức xử phạt việc sản xuất MBH nhái, kém chất lượng để hình thành cơ chế ngăn ngừa sự quay trở lại của MBH dởm, mũ nhái, góp một bước đáng kể đầy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nói chung?
Người dân và dư luận xã hội đồng thuận, ủng hộ những nỗ lực mới của cơ quan chức năng nhằm tiếp tục ngăn chặn TNGT, giảm thiểu những thiệt hại cho xã hội. Kinh nghiệm từ chiến dịch đầu tiên, chiến dịch thứ hai quanh chiếc MBH là rất đáng quý cho chiến dịch lần này - chiến dịch thứ 3 - cũng là chiến dịch có tính quyết định. Với kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dư luận đang đặt nhiều hy vọng ở những thành công chắc chắn trong thời gian tới!