“Vua rắn” tức tưởi vì chính quyền tùy tiện trong giải phóng mặt bằng

(PLO) - Trở về từ chiến trường với thương tật mất 70% sức khỏe và nhiễm chất độc da cam nhưng ông không đầu hàng số phận. Bằng nghị lực của một chiến binh từng sống trong bom đạn, ông xây dựng trang trại rắn và làm giàu từ rắn. Nhưng thương hiệu “vua rắn” và trang trại rắn phút chốc tan tành bởi chính quyền sở tại xem thường pháp luật...
Khi “vua rắn” miền Tây đang đội đơn đi tìm công lý thì Phó Chủ tịch huyện Mã Thạnh (Sóc Trăng) nhân danh UBND điều động các ban ngành đến cưỡng chế trại rắn nhằm bảo vệ việc thi công cầu mà không có quyết định cưỡng chế…
Chân dung “vua rắn” miền Tây
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Lê Hùng Minh tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị thương, nhiễm chất độc da cam, mất 70% sức khỏe. Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng Y tế huyện Mỹ Xuyên, đến năm 1992 thì nghỉ hưu. Là thương binh hạng 4/4 nhưng ông không đầu hàng số phận mà chọn con rắn ri voi để thoát nghèo và làm giàu. 
Vua rắn thời hoàng kim
Vua rắn thời hoàng kim 
Năm 1997, ông vay vốn xây dựng chuồng nuôi rắn bằng bê tông cốt thép với diện tích 2.069m2, tổng số tiền đầu tư tương đương 1 tỷ đồng và bỏ gần 100 triệu đồng thả 1,25 tấn rắn ri voi. Vào thời điểm đó, đầu tư như ông là một quyết định táo bạo, có người cho rằng ông bị “khùng” nên ném một đống tiền  cho... rắn cắn. 
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm “vứt tiền” cho rắn cắn, năm 2002 ông thu hoạch hơn 2 tỷ đồng từ bán con giống cho bà con trong và ngoài tỉnh, ông cũng là một trong những người đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu rắn… Mô hình nuôi rắn của ông được nhiều Đài Truyền hình các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phản ánh để bà con học cách làm giàu; ông được Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ mời nói chuyện cho sinh viên nghe... Với những nỗ lực phi thường, ông được mệnh danh là “Vua rắn’ miền Tây. 
Tan tác đàn rắn ri voi
Năm 2005, để thi công cầu Nhu Gia tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, UBND tỉnh Sóc Trăng giao UBND huyện Mỹ Xuyên trực tiếp thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Theo đó, ông Lê Hùng Minh cư ngụ tại khu III, xã Thạnh Phú bị thu hồi 2.069m2. Đáng nói là đất của gia đình ông Minh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có công trình xây dựng trên đất, có đăng ký kinh doanh và được cấp phép của cơ quan chức năng nhưng chỉ được bồi thường 8.000 đồng/m2. 
Không đồng ý, ông Minh khiếu nại thì được tăng lên 500.000 đồng/m2. Không hiểu Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Xuyên căn cứ văn bản pháp luật nào mà áp giá bồi thường một cách tùy tiện như vậy? Nếu ông Minh không khiếu nại thì số tiền chênh lệch này sẽ đi về đâu? 
Thêm một bằng chứng về sự quá tùy tiện trong áp giá bồi thường của Ban giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Xuyên khi tháng 6/2006 lại áp giá bồi thường đất  cho ông Minh xuống còn 18.000 đồng/m2, tháng 8/2007 áp giá 405.000 đồng/m2, tháng 10/2008 lại xuống còn 18.000 đồng và 405.000 đồng/m2.
Về phần hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh, qua nhiều lần kiểm tra thẩm định, Hội đồng đền bù lập phương án hỗ trợ cho cơ sở nuôi rắn của ông Minh 626.797.500 đồng và được tỉnh phê duyệt, do ông Huỳnh Thành Hiệp – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký vào tháng 8/2007. Vậy nhưng, trong khi ông Minh chưa  kịp nhận thì số tiền trên biến mất trong hồ sơ đền bù. Bức xúc, ông Minh khiếu nại, địa phương không giải quyết nên ông gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đơn của ông Minh chưa được giải quyết thì ngày 28/9/2010, ông Mã Thạnh – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Xuyên đã chỉ đạo lực lượng hùng hậu xuống cưỡng chế, bơm nước bắt rắn, đập phá trại nuôi rắn... mà không thông báo cưỡng chế, không có quyết định cưỡng chế, thời gian cưỡng chế ông Minh không có ở nhà khiến ông bị thiệt hại nặng nề…
Về vụ việc này, ngày 11/11/2010 Văn phòng Chính Phủ có Công văn số 8208/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra khiếu nại của ông Minh, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2010....
Cha ông Minh tham gia cách mạng từ năm 1943, đến ngày 30/4/1975 nghỉ hưu, trong quá trình hoạt động cách mạng được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ ông tham gia đấu tranh chống chế độ Mỹ ngụy bị địch bắt đi tù 01 năm, được nhận bằng Nữ tù chính trị. Anh ruột ông tham gia kháng chiến và hy sinh năm 1968. Chị gái ông tham gia cách mạng năm 1974 và bị địch bắt cầm tù. Em gái ông tham kháng chiến trong lực lượng Công an vũ trang tỉnh Sóc Trăng, bị nhiễm chất độc dioxin… 

Đọc thêm