Kinh hoàng... đường phèn nhuộm màu!

(PLO) - Phát hiện “chấn động” của phóng viên khi trên thị trường hiện nay đang lưu hành loại đường phèn được nhuộm màu vàng nghệ. Theo đó, khi hạt đường phèn nguyên thủy có màu trắng trong thì được chủ cơ sở “phù phép” thêm một lớp bao ngoài màu vàng để đánh lừa người dân. Nghiêm trọng hơn, lượng đường này được bày bán công khai ngoài thị trường và các siêu thị như toàn hệ thống siêu thị như: Citimart Parkson, Aeon Citimart, Big C…

Nhuộm đường đầu độc người tiêu dùng

Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng liên tục phản ánh đến Báo Người Tiêu Dùng về tình trạng đường giả, đường bẩn xuất hiện tràn lan tại thị trường TP.HCM. Chúng tôi đã phát hiện một công ty làm đường bẩn núp bóng dưới danh nghĩa doanh nghiệp là CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn có địa chỉ sản xuất tại 57/10 ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Mặt trước của đường phèn vàng Sài Gòn loại 1 kg.

Theo phản ánh từ người tiêu dùng, khi mua loại đường phèn vàng của CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn mã mạch 8936088170019 với giá từ 43.000-47.000 đồng loại 1 kg, khui lớp bao thì có mùi rất nồng xộc vào mũi (giống mùi nhựa, thuốc tẩy) chứ không phát ra mùi thơm từ đường. Túi đường không có dấu hiệu bị thủng nhưng có dấu ngưng đọng hơi nước, hạt đường ẩm ướt. Đáng chú ý hơn, khi bỏ đường vào nước để hòa tan thì chừng 3 phút sau, nước có màu vàng đậm như nước chè, hạt đường vàng hiện nguyên hình là màu trắng.

Bà Hồ Thị Chanh ngụ Q.6 cho biết: “Nếu đã giới thiệu là đường phèn vàng thì cả hạt đường phải là màu vàng từ trong ra ngoài chứ, đằng này chỉ có một lớp màu vàng bên ngoài, còn bên trong thì màu trắng. Tôi không biết lớp màu vàng này là thứ gì mà uống vô thấy rát cổ chứ không mát”.

Từ phản ánh của bạn đọc, chiều ngày 6/4, chúng tôi đã mua 2 gói đường phèn vàng Sài Gòn loại 1kg của CTCP Đường Sài Gòn (cùng mã vạch 8936088170019 sản xuất ngày 30/10/2015 có hạn sử dụng 18 tháng) để kiểm chứng. Khi cho đường phèn vàng vào nước lọc và lắc đều chừng 3 phút, thì một lượng đường bên ngoài tan chảy cuốn theo lớp bọc màu vàng khiến nước lọc đổi sang màu vàng đậm như màu nước chè đặc. Khi vớt các hạt đường ra khỏi nước thì đường phèn vàng lại... “hô biến” thành đường phèn trắng. Bao quanh hạt đường vẫn còn lốm đốm màu vàng do chưa tan hết. Điều đáng nói, khi chúng tôi kiểm tra mã vạch này thì không có bất kỳ thông tin nào trên hệ thống mạng lưu trữ.

Dư luận dấy lên nghi vấn, hiện công ty này nhuộm màu vàng vào đường để làm gì? Loại màu nhuộm này là chất gì, có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng trong thời điểm “ăn gì cũng sợ” như hiện nay. Bởi đường là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi đó, công ty này tiếp tục đưa ra các “sản phẩm” khác như Đường phèn hạt Sài Gòn mã vạch 8936088170026; Đường phèn Sài Gòn mã vạch 8936088170057; Đường phèn bột Sài Gòn, và khi kiểm tra thì các mã vạch này cũng không tìm thấy trong mạng lưu trữ mã vạch.

Mặt sau của đường phèn vàng Sài Gòn gồm địa chỉ, mã vạch công ty và ngày sản xuất.

Đột nhập “hang ổ” nơi làm đường nhuộm

Sáng ngày 7/4, dựa trên địa chỉ đóng gói trên bao bì của CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn, chúng tôi đã tìm đến tận nơi “sản xuất”.

Khi đến công ty, cửa vẫn đóng im ỉm không có công nhân làm việc. Càng vào bên trong, chúng tôi càng ngửi thấy mùi hăng hắc xộc lên mũi rất khó chịu.

Thấy chúng tôi bước vào, Hiển (chừng 40 tuổi) một người làm việc tại đây chạy ra nhìn với ánh mắt dò xét rồi hỏi: “Đi đâu?”. “Dạ, cho em mua mấy ký đường phèn về nấu chè!” - tôi trả lời. Hiển tiếp tục nhìn rồi nói:” Đường nấu chè thì thiếu gì chỗ mua, ai chỉ ông vô đây?”. “Dạ, đọc trên địa chỉ thôi!”. “Ông có điện thoại vô số điện thoại trên cái bao hông, chứ sao mà biết được chỗ này mà đến?”. “Anh lấy đỡ cho em vài ký, chứ trong siêu thị hết rồi, tiếc quá!”. Hiển tiếp tục hỏi dò tôi vài câu nữa cho tin hẳn rồi mới quay vô điện thoại cho ai đó, sau đó quay ra: “Mua cỡ mấy ký? Chục ký hông?”. “Mua chừng 3 ký trước để nấu chè rồi ít bữa mới mở quán sẽ mua số lượng nhiều”. “Đứng đó, cấm đi theo!”

Khi Hiển quay vào bên trong kho lấy đường, chúng tôi thấy nhiều bao tải đường được chất đống và để tràn lan trên nền rất mất vệ sinh, bên trong không thấy có máy móc sản xuất đường nào ngoài máy để nghiền đường thành hạt nhỏ, cạnh đó là một cái thau đựng.

“111 ngàn! Bán 37 ngàn một kg theo giá thị trường đó, chứ tụi này bán cho Big C chỉ có 25 ngàn/ký hà, Big C sẽ bán ra thị trường với giá hơn 40 ngàn ”. Tôi gân cổ cãi: “Lý nào anh bán cho Big C có 25 ngàn mà tôi mua tận nơi anh bán tôi 37 ngàn”. “Vì “nó” còn chiết khấu nên phải lấy giá vậy”. Nói xong, Hiếu liền đưa số điện thoại của mình cho chúng tôi để hôm sau mua đường cho tiện...

Vạch trần trách nhiệm của siêu thị Citimart và Big C

Trong khi người dân cả nước đang thực hiện phong trào chống thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nên mới tìm đến các siêu thị có thương hiệu để tìm mua thực phẩm an toàn. Nhưng có thật sự thực phẩm trong siêu thị là an toàn không, khi các hệ thống siêu thị Citimart và Big C đã liên tục bán ra những sản phẩm đường phèn nhuộm, đường phèn không xuất xứ của CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn trong thời gian dài.

Theo lời của Hiển thì mỗi kg đường phèn được bán vào siêu thị Big C với giá 25 ngàn. Sau đó, Big C sẽ tiếp tục bán ra cho người tiêu dùng với giá hơn 40 ngàn đồng, việc này dấy lên sự nghi ngờ liệu phải chăng do giá mua vào siêu thị quá thấp so với giá bán ra nên Big C“nhắm mắt” làm ngơ với sức khỏe người dân mà chỉ mở to mắt nhìn thấy lợi nhuận.

Trong thực tế, công tác kiểm định thẩm tra sản phẩm của các hệ thống siêu thị có danh tiếng như Big C và Citimart rất cẩn thận từ đầu vào để có nguồn cung ứng sản phẩm sạch, đáng tin cậy cho người dân. Vậy sao có thể một thủ thuật làm đường bẩn như vậy vẫn được lọt vào trong hệ thống siêu thị? Phải chăng siêu thị và doanh nghiệp này đã đi “đường vòng” với nhau để tìm cách đưa sản phẩm này lên kệ và bán đến tay người dân?

Theo một kỹ sư hóa tại TP.HCM, thông thường các chủ cơ sở đường dùng phẩm màu được Bộ Y tế cho phép để biến đường trắng thành đường vàng. Tuy nhiên, giá thành các loại phẩm màu thực phẩm thường cao. Do đó, các cơ sở kinh doanh đường thường sử dụng phẩm màu công nghiệp. Khi cơ thể bị tống các chất phẩm màu công nghiệp vào, nguy cơ gây bệnh ung thư là khó tránh.

Cho đường vào ly thủy tinh.

Cho nước vào và khuấy đều, nước có màu đậm như nước trà.

Tách lấy nước.

Đường màu vàng trước khi cho vào nước

Đường bị tan lớp màu bên ngoài

Sự khác biệt khi đường chưa hòa vào nước và đường đã hòa vào nước.

Sản phẩm được trưng bày bán cho người dân tại siêu thị Big C.

Hóa đơn Citimark Parkson ghi rõ giá trị bao đường.

Bên trong của CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn.

Trước cổng CTCP Chế biến Thực phẩm Sài Gòn, cửa đóng kín không có công nhân làm việc.

Đọc thêm