“Sống mòn” trong mùi khí thải
Theo phản ánh, cơ sở chế biến bột lông vũ, làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm chuyên thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, nông nghiệp, tái chế, tái sử dụng chất thải sau giết mổ, sản xuất bột cá, bột thịt, bột xương, bột huyết trên đã hoạt động ở đây được vài năm. Tuy nhiên, mỗi khi cơ sở hoạt động, thường phát tán ra mùi khí rất nặng, nồng. Mùi khí này theo hướng gió bay ra khắp nơi, tràn vào nhà dân, trường học… xung quanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân.
Một người dân ở thôn Hán Xuyên cho biết, vì liên tục phải hứng chịu mùi khí thải khó chịu từ cơ sở này phát tán ra nên dù ở nhà hay đi làm mọi người đều phải bịt khẩu trang kín mít để hạn chế mùi. Chưa hết, nhiều hộ gia đình tại đây thường xuyên phải đóng kín cửa, không dám cho người già và trẻ nhỏ ra đường vui chơi, thư giãn. Quá bất lực với việc hàng ngày phải sống chung cùng mùi khí thải hết sức khó chịu này, người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và trong các kỳ họp HĐND nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thuyên giảm.
Ông Nguyễn Trọng Thuấn, Chủ tịch UBND xã Thất Hùng cho biết, cơ sở chế biến bột lông vũ trên do ông Nguyễn Quốc Biển làm chủ. Cơ sở bắt đầu hoạt động sản xuất trên diện tích 8.698,4m2 tại xã Thất Hùng từ năm 2011. Hiện cơ sở đang sử dụng 15 lao động và chỉ có hoạt động chế biến lông vũ làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm với công suất 120 – 150 tấn/tháng.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở của ông Biển gây ra, xã đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Kinh Môn và phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra tại cơ sở. Ông Thuấn thừa nhận tại đây có xảy ra tình trạng phát tán mùi khí thải nồng nặc, khó chịu và đã đề nghị cơ sở khẩn trương nhanh chóng khắc phục tình trạng trên để không làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh.
Vừa gây ô nhiễm vừa không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy
Được biết, cơ sở chế biến bột lông vũ của ông Biển từ nhiều năm nay vốn nằm trong danh sách 21 cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Kinh Môn gây ô nhiễm môi trường. Ngày 13/2, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) đã ra quyết định xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng đối với cơ sở này về hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 - < 1,5 lần lưu lượng khí thải nhỏ hơn 500m3 theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã cùng với một cán bộ xã Thất Hùng tới cơ sở trên để làm việc. Tại đây, ông Lê Đình Kỳ, phụ trách kỹ thuật của cơ sở cho biết, trước đây, do chưa làm nhà xưởng có mái che, lông vũ tập kết về đây thường để ngoài sân và phủ bạt lên, do vậy không tránh khỏi việc gây ra mùi khó chịu. Nhưng từ khi cơ sở xây dựng nhà xưởng, tình trạng mùi khó chịu phát tán ra xung quanh đã hạn chế. Tuy nhiên, nếu người dân có ý kiến, cơ sở sẽ kiểm tra lại và có phương án khắc phục kịp thời.
Được ông Kỳ dẫn đi “tham quan” toàn bộ khu vực xưởng sản xuất của cơ sở, phóng viên nhận thấy bao trùm toàn bộ khu vực này bốc lên một mùi khí rất ngột ngạt, khó thở. Trong xưởng, lông vũ được tập kết, đóng bao và chất đống cao ngổn ngang. Ruồi nhặng bay vây kín, một bầu không khí tràn ngập mùi xú uế nồng nặc. Thế nhưng, hầu hết công nhân ở đây không hề sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động như: mũ, găng tay, khẩu trang…
Căn cứ vào tài liệu đại diện cơ sở này cung cấp, ngày 23/7/2018 tại Biên bản kiểm tra về bảo vệ môi trường số 42/STNMT-ĐKTr của Đoàn kiểm tra thuộc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương nêu rõ: cơ sở chưa thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; chưa thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; chưa có biển báo, dấu hiệu cảnh báo, mã chất thải; trong khu vực sản xuất có mùi đặc trưng từ nguyên liệu lông vũ. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo đúng Đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu cơ sở tiếp tục rà soát các công đoạn sản xuất phát sinh mùi để có biện pháp giảm thiểu triệt để mùi phát sinh, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở cũng chưa thực sự đảm bảo an toàn. Theo đó, tại Biên bản kiểm tra về PCCC, cứu nạn, cứu hộ kiểm tra định kỳ vào ngày 28/3/2018 của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Hải Dương): cơ sở chưa xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ theo quy định, dù đã xây dựng một số công trình nhà kho và đi vào hoạt động nhưng cơ sở chưa có hồ sơ thiết kế hệ thống PCCC, các công trình không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Một số phương tiện chữa cháy đã hết khí không đảm bảo công tác chữa cháy, đường giao thông xung quanh không đảm bảo cho việc xe chữa cháy ra vào cơ sở khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường – đó là quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng của Chính phủ về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở chế biến bột lông vũ của ông Nguyễn Quốc Biển chưa được UBND huyện Kinh Môn và các cơ quan môi trường chuyên trách của tỉnh Hải Dương vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh, không biết đến bao giờ những người dân nơi đây mới thoát cảnh “sống mòn” vì khí độc?