Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
TS Nguyễn Đức Thành – chủ biên Báo cáo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, dự báo năm 2016, nguy cơ đáng chú ý là lạm phát trở lại sau thời gian dài ổn định, thị trường ngoại hối còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro ngoại sinh… nên tỷ lệ lạm phát chung sẽ ở mức 5%, thậm chí có thể vượt quá 5% do biến động của thị trường thế giới, biến đổi khí hậu, khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu.
Đáng chú ý, nhóm chuyên gia đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều thuận lợi. “Mục tiêu tăng trường 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được”, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam nhận định.
Trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đội phá của Chính phủ mới, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư (cả trong khu vực tư nhân lẫn nước ngoài) thì tăng trưởng mới có thể đạt trên 6,5% và hướng tới mục tiêu của Quốc hội. “Chúng tôi vẫn đánh gíá trong năm 2016, khả năng này là thấp”, TS Thành chốt lại nghiên cứu.
Khi kinh tế đã hồi phục, các chuyên gia khuyến nghị các chính sách trong ngắn hạn cần quay lại mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong trung và dài hạn, các chính sách cần hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế gồm cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách dứt điểm khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa để tránh lãng phí nguồn lực, nâng cao trình độ lực lượng lao động tương ứng cho sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng thời, củng cố khả năng tạo lập chính sách, trong đó thiết lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia, chú trọng đến hệ thống quản trị quốc gia, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và chú trọng cải cách thị trường cung ứng dịch vụ công, tăng tính kiểm soát của người dân để sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, cắt giảm bội chi ngân sách.
Không thể quên môi trường và chống tham nhũng
Với các chuyên gia kinh tế, còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu để xây dựng nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2016 và những năm tiếp theo.
Theo TS.Lê Đăng Doanh, đó là ảnh hưởng của bối cảnh biển Đông, việc Việt Nam không còn tự chọn tốc độ cải cách khi tình hình hội nhập đã bước sang bước ngoặt với TPP, EVFTA, Hiệp định hợp tác toàn diện ASEAN+ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand…
Đặc biệt các chuyên gia nhấn mạnh đến tác động của yếu tố môi trường trong sự phát triển. TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, môi trường là vấn đề “sinh tử” của xã hội và nền kinh tế Việt Nam vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, nhất là nông nghiệp, ngân sách, du lịch…
TS.Nguyễn Minh Phong cũng quan tâm đến “nền tảng về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường” đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông, thiếu giám sát phát thải từ các khu công nghiệp về môi trường; năng lực công nghệ để đánh giá các nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển kém; quy trình xử lý thảm họa quốc gia không có… là những yếu tố làm cho môi trường trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển.
Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Minh Phong còn nhấn mạnh đến việc thiếu quy trình liên quan đến thể chế chống tham nhũng, bắt lỗi cán bộ “ở giữa” quy trình thực hiện chính sách. “Khi ở đầu (ban hành chính sách) tốt nhưng cán bộ ở giữa không thực hiện thì cũng không thể đến doanh nghiệp, người dân” – TS.Nguyễn Minh Phong phản ánh./.