Kinh tế Việt Nam tươi sáng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài

"Các DN Nhật Bản luôn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, về nguồn nhân lực dồi dào… Thời gian tới số DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay", ông Toshio Nakamura - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) bày tỏ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, kinh tế vĩ mô Việt Nam tuy hồi phục với tốc độ chậm nhưng dường như đã vượt những “gam” màu xám để đón nhận những “gam” màu tươi sáng hơn. 

Thị trường Việt Nam "sáng" trong mắt nhà đầu tư
Tại hội thảo về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức tổ chức ở TPHCM vừa qua, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức ở Việt Nam nhận định: "Đa phần các DN Đức đều đánh giá Việt Nam với dân số gần 90 triệu người là một thị trường tiềm năng, năng động, linh hoạt, có lực lượng lao động lý tưởng với độ tuổi lao động khá trẻ trung, tuổi trung bình của lao động Việt Nam là 29 trong khi ở Đức là 43…
Xét về lực hấp dẫn đầu tư, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thâm nhập thị trường. Điều đáng nói là sau những nỗ lực tạo điều kiện của Chính phủ, hầu hết các khu công nghiệp của Việt Nam hiện đều thoả mãn các tiêu chuẩn quốc tế, và không chỉ cơ sở hạ tầng thuận lợi, thời gian cấp giấy phép thành lập công ty, giấy phép kinh doanh, thủ tục hải quan đã từng bước được đơn giản hoá tạo niềm tin hấp dẫn các nhà đầu tư…
Đồng quan điểm trên, ông Daniel Low – Tổng Giám đốc  Công ty Antibac 2K Singapore nhận định: "Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xử lý khá tốt các vấn đề về thanh khoản, lãi suất và tỉ giá. Điều này thật sự tạo niềm tin đồng thời minh chứng cho các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam đồng thời tạo động lực cho các nhà đầu tư trên thế giới tham gia hoạt động ở thị trường Việt Nam…
Trước tình hình nhạy cảm hiện nay, chúng tôi cho rằng cùng với những nỗ lực từ phía Chính phủ sở tại, các DN cũng cần phát huy năng lực tại chỗ với các giải pháp: Tái cấu trúc bộ máy nhân sự, tìm kiếm các gói kích cầu…".
Ở khu vực ngân hàng: Sau hàng loạt những tháo gỡ của Chính phủ, thị trường tài chính tiền tệ đã vào nhịp ổn định. Đơn cử: Trong dịp khai trương chi nhánh thứ 4 tại Bình Dương bà Yvonne Chia, Giám đốc CEO của Tập đoàn Hong Leong Bank (ngân hàng 100% vốn Malaysia), đã nhận định: "Dù chịu tác động theo logic của suy thoái kinh tế toàn cầu, qua những trồi sụt tất yếu của chu kỳ phát triển kinh tế, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại sau khi những cải cách hiệu quả". 
Phần lớn nhà đầu tư đang nhìn đến tiềm năng phát triển của Việt Nam, với các tháo gỡ tích cực nhằm phục hồi nền kinh tế, đơn cử như sự can thiệp kịp thời lãi suất ngân hàng của Chính phủ Việt Nam trong một số tình huống nhạy cảm.
Theo công bố ngày 1/10 của Ngân hàng HSBC về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 9: Mặc dù các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam có thể chưa như kỳ vọng nhưng chắc chắn không nằm trong trạng thái rơi tự do. Nền kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ đạt tăng trưởng trong quý IV, và lãi xuất sẽ ổn định cho đến hết năm…, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận lớn cho nền kinh tế tạo cú hích cho các hoạt động dịch vụ lưu thông hàng hoá tiêu dùng.
Ông Nguyễn Quang Dục – Phó TGĐ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hoa Lâm, khẳng định: "Với sự chỉ đạo điều hành sát sao từ phía Chính phủ, và quan sát những tín hiệu phản hồi từ thị trường qua những số liệu công bố của Tổng cục thông kê: Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 đã đạt mức tăng trưởng 6,48% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2011 tính đến nay…chúng tôi tin tưởng vững chắc vào sự hồi phục của kinh tế Việt Nam cũng như sẽ tăng tốc mạnh vào những tháng cuối năm 2012". 
Ông Bàng Cẩm - Phó Giám đốc PR Công ty Tài Nguyên Phương Đông, cho biết: Cùng với sự thông thoáng từ phía Chính phủ, dù chịu ảnh hưởng tất yếu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng là một thị trường trẻ trung đầy sức bật, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ từng bước tăng trưởng vững mạnh.
Cũng cần nhắc lại rằng: Theo Báo cáo Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng nửa đầu năm 2012 của MasterCard Worldwide, cho thấy: Ấn Độ là quốc gia lạc quan nhất ở châu Á - Thái Bình Dương với 82,1 điểm; tiếp đó là Trung Quốc 77,4 điểm, Việt Nam chúng ta với 77,2 điểm còn xếp trên cả Thái Lan 75,8 điểm… 
Ông Toshio Nakamura - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) bày tỏ: "Các DN Nhật Bản luôn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, về nguồn nhân lực dồi dào… Thời gian tới số DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay".
Sẽ kiềm chế lạm phát ở con số khoảng 8%...
Bước sang quý IV nhìn đến cuối năm kế hoạch 2012, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả lạc quan… kết quả này có được bởi  những nỗ lực điều hành của Chính phủ, dù cho ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2012 đã được cảnh báo như là một trong những năm khó khăn nhất của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.   
Kinh tế Việt Nam đang dần ổn định

Tín hiệu lạc quan nhất qua các số liệu đã được công bố là khả năng phục hồi đáng khích lệ của hoạt động xuất khẩu Việt Nam.

Theo đánh giá của Chính phủ căn cứ vào dữ liệu Hải quan, xuất khẩu trong tháng 9 đã tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu tháng 8 chỉ tăng 6,3%. Sự tăng trưởng này chủ yếu từ kết quả hoạt động xuất khẩu mạnh của các mặt hàng thế mạnh của sản xuất trong nước: Gạo & nông thổ sản, dệt may, giày dép, gạo, điện tử, cà phê và dầu thô…".
Từ những tháng đầu năm 2012, trong nỗ lực nhằm ổn định và thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đáp ứng đa phần mong ước kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh.
Những tháng cuối năm 2012, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới cùng với khủng hoảng nợ công tại một số nước Châu Âu tiếp tục gây bất ổn lớn. Kinh tế Việt Nam tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy vậy, từ những can thiệp kịp thời của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã và đang có những dấu hiệu hồi phục rõ rệt: Sau khi nhịp độ sản xuất sụt giảm mạnh trong quý III, các DN sản xuất đã dần ổn định hơn trong tháng 9. 
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong khuôn khổ chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” của Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận định thẳng thắn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy có phần chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn kế hoạch, nhưng chưa phải suy thoái. Bộ trưởng khẳng định, với các biện pháp bám sát diễn biến thị trường hiện nay, Chính phủ tin tưởng sẽ kiềm chế lạm phát đúng như mục tiêu đã đề ra là khoảng 8%...
Đình Nguyễn

Đọc thêm