Nỗi buồn “cây xóa đói giảm nghèo” ở Mường Ảng (Điện Biên)

(PLO) - Từng là loại cây trồng mang lại niềm hy vọng lớn cho đồng bào các dân tộc ở Mường Ảng, song niên vụ cà phê 2015 - 2016 ở huyện miền núi này lại bắt đầu với sự rớt giá liên tục của cà phê thành phẩm…
Người dân Mường Ảng luôn mong cà phê làm ra có thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định
Người dân Mường Ảng luôn mong cà phê làm ra có thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định
Giá giảm một nửa
Với độ cao địa hình trung bình từ 700 - 900m so với mực nước biển, huyện Mường Ảng là một trong những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao. 
Cách đây chưa lâu, khi bắt đầu “bén duyên” với mảnh đất Mường Ảng, cây cà phê đã giúp khá nhiều hộ đồng bào người Thái, người Mông ở đây vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Cấp ủy, chính quyền cũng xác định cà phê sẽ là “cây xóa đói giảm nghèo”, cây trồng mũi nhọn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. 
Cây cà phê đã dần phủ xanh các quả đồi trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã Ảng Cang, Ảng Tờ, Ảng Nưa, Búng Lao, Mường Lạn, Mường Đăng, Nặm Lịch, Xuân Lao… “Bà con khi đó không ai bảo ai đều ra sức mở rộng diện tích trồng cà phê…”, ông Lường A Lủ ở bản Củ, xã Ảng Nưa bồi hồi nhớ lại. 
Với giá thu mua 8.000 đồng/kg cà phê tươi, 80.000 đồng/kg cà phê trấu, theo ước tính, chỉ tính riêng niên vụ cà phê 2010 - 2011, các hộ trồng cà phê ở Mường Ảng đã thu về khoảng 150 tỷ đồng. 
Nhưng điều đáng buồn là sau vài vụ đầu tiên được giá, những năm gần đây giá cà phê Mường Ảng đã liên tục sụt giảm… Theo thống kê, niên vụ 2015 - 2016 toàn huyện Mường Ảng hiện có trên 3.400ha cà phê các loại; trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch (cà phê kinh doanh) là trên 2.000ha, năng suất ước tính vào khoảng 18 - 19 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 30.000 tấn cà phê tươi, tương đương 5.700 tấn cà phê trấu. 
Tuy nhiên, niên vụ 2015 - 2016 lại đánh dấu thời điểm giá cà phê xuống thấp “chưa từng thấy” như cách nói của nhiều người trồng cà phê nơi đây. Hiện giá cà phê trấu giảm xuống chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg; cà phê tươi được thu mua với giá khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng, cá biệt giai đoạn mới vào vụ thu hoạch, có thời điểm cà phê tươi giảm chỉ còn 2.800 - 3.000 đồng/kg, chưa bằng 50% so với niên vụ trước.
Theo tính toán của số đông các hộ trồng cà phê trên địa bàn Mường Ảng, nếu giá thu mua dừng lại ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg cà phê tươi (không giảm tiếp) thì nhiều khả năng bà con cũng đã phải bù lỗ bởi tiền bán cà phê không thể đủ trang trải các loại chi phí phục vụ cây cà phê liên tục tăng trong một năm. 
Hướng ánh mắt buồn ra đồi cà phê phía xa, chị Lầu Thị Ái, dân tộc Thái ở bản Tin Tốc, xã Ảng Nưa lau vội nước mắt, tâm sự: “Những năm trước được giá thì vườn nhà mình chưa đến lúc thu, 2 năm nay được thu thì giá cứ giảm liên tục. Bao chi phí đầu tư vay ngân hàng chưa trả hết, nay lại tốn thêm công thuê người thu hái mà tiền bán cà phê thu được chẳng là bao. Biết lỗ mà vẫn phải bán vì cà phê thu hoạch có vụ, không bán cũng không được bởi còn phải trả tiền phân bón và đầu tư cho niên vụ tiếp theo”. 
Theo nhiều hộ trồng cà phê ở Mường Ảng, không tính tiền giống ban đầu, chi phí đầu tư trung bình cho mỗi hecta cà phê không thể dưới 40 triệu đồng/năm, bao gồm tiền phân bón (20 triệu đồng), tiền công chăm sóc, làm cỏ (10 triệu đồng), tiền công thu hái quả (10 triệu đồng), trong khi với giá thu mua hiện nay, người dân chỉ có thể thu về khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha…
Đầu  ra bấp bênh
Thực tế cho thấy, ngay từ những năm trước, các cấp chính quyền ở huyện Mường Ảng đã sớm có sự lượng đón đầu ra cho sản phẩm cà phê trên địa bàn. Cùng với việc khuyến cáo người dân cân nhắc kỹ trước khi mở rộng diện tích trồng cà phê, UBND huyện Mường Ảng còn tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cà phê Mường Ảng”. Tuy vậy, hiệu quả từ những hoạt động này chưa nhiều trong khi đầu ra của sản phẩm cà phê Mường Ảng còn rất bấp bênh và người trồng cà phê vẫn liên tục bị tư thương ép giá.
Theo đánh giá, việc phát triển cây cà phê ở Mường Ảng thời gian qua cơ bản mới chỉ tập trung đến vùng nguyên liệu, chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê chưa được người dân quan tâm đúng mức. 
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến cà phê hiện nay trên địa bàn đều dừng lại ở quy mô nhỏ, công nghệ thiếu hiện đại, chất lượng cà phê thành phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường… Những tồn tại trên đã hạn chế không nhỏ đến việc nâng cao sức cạnh tranh và giá thành của cà phê Mường Ảng.
Được biết, nhằm ổn định thị trường, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá, mới đây UBND huyện Mường Ảng đã ban hành “Kế hoạch quản lý thị trường mua, bán niên vụ 2015 - 2016”. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng Tạ Mạnh Cường, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng thương hiệu “Cà phê Mường Ảng”; đồng thời chủ động tìm kiếm, liên hệ với các DN trong và ngoài tỉnh Điện Biên đến tìm hiểu, thu mua cà phê trên địa bàn huyện. 
Hội Cà phê Mường Ảng cũng tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nắm chắc diễn biến thị trường để kịp thời tư vấn, hướng dẫn người trồng cà phê trong thỏa thuận giá cả mua bán với tư thương, tránh tình trạng bị ép giá.
Cà phê Mường Ảng đang cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để loại cây đặc sản này thực sự có vị trí vững chắc trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương, để đồng bào các dân tộc Mường Ảng được thụ hưởng những thành quả mà họ xứng đáng có được từ việc gắn bó với cây cà phê trên đồng đất quê hương mình.

Đọc thêm