Vựa lúa “khát” vốn FDI

(PLO) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, tôm cá, trái cây của cả nước… nhưng vẫn là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vựa lúa “khát” vốn FDI
Rào cản hạ tầng, nhân lực 
Từ năm 1988-2012, ĐBSCL thu hút 757 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 10,7 tỷ USD, chỉ chiếm 5,16% so với cả nước, tập trung  chủ yếu ở Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau. Ông Phạm Thành Khôn (Câu lạc bộ các Trung tâm xúc tiến đầu tư ĐBSCL) đặt vấn đề: “Lẽ ra với tiềm năng và lợi thế sẵn có, thu hút FDI vào ĐBSCL phải cải thiện đáng kể, nhưng thực tế còn rất khiêm tốn”. 
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI) cho rằng: “Những năm gần đây, ĐBSCL xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, chủ yếu bằng nội lực các ngành hàng nông thủy sản chế biến thô, chưa có dấu ấn của các dự án FDI. Thu hút FDI vào ĐBSCL đến nay còn rất thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập dân cư, chuyển dịch cơ cấu trong những năm tới”.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhìn nhận: “Khả năng tiếp cận đất đai khó khăn là cản ngại lớn trong kêu gọi FDI của địa phương. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thiếu quỹ đất sạch nên không đáp ứng được. Các dự án muốn đầu tư bên ngoài khu công nghiệp (KCN) phải mất rất nhiều thời gian để thỏa thuận với các ngành liên quan về quy hoạch cho phù hợp”. 
Phân tích những nguyên nhân chính, TS Võ Hùng Dũng chỉ rõ 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, đặc biệt về giao thông. Đầu tư chung vào ĐBSCL còn thấp, phần lớn nhằm phục vụ cho nông nghiệp làm lúa. Khả năng kết nối từ Cần Thơ đến các tỉnh chưa tốt. Thứ hai là nguồn nhân lực, dồi dào nhưng là lao động giản đơn; chất lượng lao động thấp, không có nhiều động tác đòi hỏi mức độ thành thạo, trình độ cao. Và thứ ba, môi trường kinh doanh chưa thật sự tích cực, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.  
“Ngay cả tại Cần Thơ, khi hỏi về thu hút FDI, các vị lãnh đạo cũng không rõ lắm” - Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho hay.
Làm mới hình ảnh 
ĐBSCL hiện có 10 triệu lao động, chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, năng suất và thu nhập lao động thấp. Do vậy, phải đẩy mạnh thu hút FDI để cải thiện cấu trúc kinh tế, kéo giảm lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, tăng thu nhập cho dân cư. 
Ông Kim Do Kyong - chuyên gia Cơ quan Xúc tiến quốc gia về công nghiệp Hàn Quốc nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ ĐBSCL sản xuất nông nghiệp chất lượng, giá trị gia tăng cao. Điều chúng tôi quan tâm nhất là môi trường đầu tư được cải thiện như thế nào?”. 
Ông Mototyuki-Nakanura (Công ty Tri Việt, sản xuất găng tay đánh bóng chày xuất khẩu, tại KCN Trà Nóc, Cần Thơ) nói: “Những thông tin về cơ chế chính sách của các địa phương, nhà đầu tư chưa nắm bắt được nhưng không được giải thích, hướng dẫn rõ ràng ngay trong những lần tiếp xúc đầu tiên. Điều đó rất nguy hiểm, cản trở cho quyết định đầu tư, bỏ lỡ cơ hội”. 
Ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho biết: “Để chủ động đón dòng đầu tư FDI, nhất thiết phải xác định “nhiệm vụ” của chính quyền Trung ương và địa phương. Đó là phải có tầm nhìn dài hạn, có sự hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương, thống nhất về thủ tục, tư vấn và cấp giấy phép hoạt động nhanh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ (thuế, nhân lực, tài chính, khuyến khích đầu tư).
Giải quyết “điểm yếu” không rõ ràng, minh bạch của hệ thống thuế. Duy trì và thực hiện hệ thống pháp luật ổn định và rõ ràng. Phát động 6 lĩnh vực công nghiệp chiến lược (chế biến nông, lâm, thủy sản, máy nông nghiệp, phụ tùng ô tô, môi trường và tiết kiệm năng lượng...). Cuối cùng là đảm bảo không có chi phí thủ tục hành chính không rõ ràng”. 

Đọc thêm