Thủ tướng mời DN Mỹ tham gia thị trường bất động sản, tài chính

"Chúng tôi đưa ra giải pháp làm ấm dần thị trường BĐS: qui hoạch lại thị trường, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản, mở rộng tín dụng cho người mua nhà… Giải pháp này không có gì mới, đã được thực hiện ở nhiều nước như Nhật, Mỹ... nhưng gắn kết với các giải pháp đặc thù của Việt Nam, tôi tin rằng thời gian tới thị trường sẽ ấm lên và 200 triệu đầu tư của ngài vào Việt Nam sẽ thành công", Thủ tướng khẳng định.

Trưa ngày 27/9 (giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ, đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại khán phòng trong sự chào đón nồng nhiệt của các doanh nhân hàng đầu Hoa Kỳ. Cùng dự sự kiện này có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; ông Vũ Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều quan khách.

Ông Alex, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam đã có phát biểu trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Ông Alex nói: Thủ tướng là người bạn thân thiết của Hoa Kỳ. Điều này thể hiện niềm tin của các DN Hoa Kỳ vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam và Thủ tướng có mặt ở đây đã minh chứng cho điều đó.

Các DN Hoa Kỳ kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế ASEAN. Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến điều này.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ đóng góp hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Thời gian tới, sự có mặt của các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai nước.

Chúc mừng Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó, chúng tôi mong Việt Nam cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, cho phép nhiều người Mỹ đóng góp vào kinh tế Việt Nam.

Kinh tế toàn cầu ảm đạm nhưng thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn đạt trên 22 tỷ USD trong năm ngoái. Chúng tôi mong muốn con số này sẽ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi mong Việt Nam tạo nhiều cơ hội hơn nữa về hạ tầng cơ sở cho các DN nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.

Các công ty công nghệ của chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Chúng tôi nghĩ rằng, còn nhiều băn khoăn về nhiều quy định kinh doanh đối với các DN FDI. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam hơn nữa. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với các DN Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân ngài Thủ tướng. Các DN Hoa Kỳ mong muốn và ủng hộ mạnh mẽ để Việt Nam gia nhập TPP để đem lại lợi ích cho hai bên. Các nhà DN Hoa Kỳ cũng rất háo hức kinh doanh ở Việt Nam khi TPP hoàn thành.

Chúng tôi mong muốn gặp quý vị ở Hà Nội trong năm nay và nhiều năm nữa và trở thành đối tác của quý vị".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoại

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong nhiều năm qua Việt Nam đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Hiện nay chúng tôi đang quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Song song với các cải cách ở trong nước, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Chúng tôi đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do quan trọng với các khu vực và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), và với Hàn Quốc. Với triển vọng hoàn tất các Hiệp định này, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất sẽ hình thành vào năm 2015.

“Việt Nam đang cải cách thể chế để các DN nước ngoài có thể đầu tư minh bạch vào việt Nam theo chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam tham gia đàm pháp TPP trong điều kiện Việt Nam có trình độ thấp nhất trong 12 thành viên. Điều này, khi Tổng thống Obama gặp tôi đã nói rằng Hoa Kỳ hiểu Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ khi đàm phán cũng theo tinh thần của Tổng thống Obama.

“Khó khăn đàm phán không còn ở Hoa Kỳ mà ở các nước khác”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chúng tôi đang huy động ngoài nhà nước, nước ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện không chỉ cho đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài. Tôi kêu gọi các nhà DN Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục….

Việt Nam đang tập trung sức trong nước và nước ngoài là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển. Việt Nam đang có 16.000 người đang học tập tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đang chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả. Chúng tôi cũng mở cửa đầu tư công cho DN nước ngoài tham gia qua TPP.

Cuối cùng, chúng tôi đang tăng cường và thực hiện hiệu quả là nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước Việt Nam. Việt Nam là thành viên tích cực, xây dựng của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi mong các bạn ủng hộ tiến trình cải cách ở Việt Nam, để góp phần đầu tư thương mại thành công ở Việt Nam.

Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hy vọng, Hoa Kỳ sẽ là bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Tôi xin nói là lĩnh vực ICT, năng lượng, hàng không, tài chính, ngân hàng là những lĩnh vực chúng tôi rất khuyến khích. Hoa Kỳ không nên phân biệt đối với hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng nông sản liên quan đến hàng triệu nông dân nghèo Việt Nam".

Sau khi có bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng đã đối thoại với hơn 50 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực của Hoa Kỳ, như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghiệp, xuất nhập khẩu, dệt may, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng...

Buổi đối thoại là dịp để giới thiệu về các chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Trước câu hỏi (Đồng Chủ tịch một quỹ đầu tư tài chính ở Việt Nam): Năm 2007 chỉ số cạnh tranh của Việt Nam rất cao nhưng giờ lại không cao như vậy. Chính phủ Việt Nam làm gì để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại Việt Nam?Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế tác động vào Việt Nam. Kinh tế VN không tăng trưởng cao như 10 năm trước. 3 năm qua chúng tôi chủ động điều tiết tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên tăng trưởng 3 năm qua, từ 2010 đến nay, vẫn đạt bình quân 5,6%/năm. Nợ xấu của hệ thống NH theo chuẩn quốc tế là 7%, nhưng quan trọng là đã kiểm soát nợ xấu không tăng lên.

Mục tiêu Việt Nam đặt ra đến cuối 2015 nợ xấu dưới 3%. Ông Thống đốc NHNN đã cam kết trước Quốc hội điều đó. Nhưng chúng tôi tin là sẽ làm được.

Thứ hai, chúng tôi đã mở cửa khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn. Hiện nay, đầu tư FII vào thị trường chứng khoán rất tốt. Theo UB chứng khoán Nhà nước, gần đây đầu tư này đã đạt 8 tỷ USD.

Tối nay, tôi đã chứng kiến ký kết một hợp tác đầu tư lĩnh vực bảo hiểm. Ở Việt Nam có 40 ngân hàng 100% vốn nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Hiện, nhà đầu tư nước ngoài được nắm cổ phần 30% trong TCTD. NHNN cũng đang xem xét nới rộng tỷ lệ này. Chúng tôi cam kết mở thị trường tài chính không kém gì các nước trong khu vực. Mời các bạn tham gia thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam.  

Đồng Chủ tịch một công ty tài chính có hợp tác với châu Á đặt câu hỏi: Đầu năm nay (chúng tôi) có đầu tư vào dự án liên danh với Vingroup để hoàn thành dự án Royal City. Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản rất ảm đạm. Chính phủ làm gì kích cầu bất động sản?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Tôi đã gặp các bạn ở Hà Nội. Tôi hoan nghênh đầu tư của các bạn vào Vingroup, một đầu tư đầu tiên của nước ngoài vào đầu tư tư nhân ở Việt Nam, trong lĩnh vực bất động sản.

Khủng hoảng tác động vào thị trường bất động sản cũng khó khăn. Chúng tôi đưa ra giải pháp làm ấm dần thị trường này: qui hoạch lại thị trường, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản, mở rộng tín dụng cho người mua nhà… Giải pháp này không có gì mới, đã được thực hiện ở nhiều nước như Nhật, Mỹ... nhưng gắn kết với các giải pháp đặc thù của Việt Nam, tôi tin rằng thời gian tới thị trường sẽ ấm lên và 200 triệu đầu tư của ngài vào Việt Nam sẽ thành công.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm