Kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều chính sách thuế

(PLO) - Tại Hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2018, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cùng với việc triển khai công tác cải cách hành chính thuế, năm qua ngành này cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng chính sách thuế (CST) để sửa đổi một số quy định nhằm khắc phục những bất cập về chính sách.

Hơn 2 năm để làm quen hóa đơn điện tử

Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 về hóa đơn điện tử (HĐĐT). Theo đó, việc thực hiện HĐĐT tại các doanh nghiệp (DN) phải được hoàn thành chậm nhất là hết ngày 31/10/2020.

“Như vậy, từ nay đến hết tháng 10/2020 là thời gian để cho người nộp thuế (NNT) và cả cơ quan thuế (CQT) chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác để áp dụng, đồng thời cũng là giai đoạn để cộng đồng dân cư nói chung và người nộp thuế (NNT) nói riêng thay đổi thói quen sử dụng hóa đơn, làm quen với việc sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nếu DN nào đã chuẩn bị xong, đủ điều kiện thì có thể áp dụng ngay việc phát hành HĐĐT…”, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu.

Nghị định đã quy định cụ thể đối tượng sử dụng HĐĐT có mã của CQT, theo đó các DN kinh doanh thuộc lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính tín dụng, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị,... và  các DN đã hoặc sẽ giao dịch với CQT bằng phương thức điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán đáp ứng yêu cầu thì được sử dụng HĐĐT không có mã của CQT.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2016/NĐ-CP để hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo việc triển khai HĐĐT được thuận lợi. 

Thêm quyền cho người nộp thuế

Một chính sách thuế thu hút sự quan tâm của NNT là Dự án Luật Quản lý thuế (QLT) (sửa đổi) vừa được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Dự luật này chính là để hoàn thiện cơ chế QLT hiện đại, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống QLT hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác QLT, trong đó có việc áp dụng  rộng  rãi phổ biến QLT điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật QLT và các văn bản pháp luật có liên quan.

Nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT cũng như trách nhiệm của cơ quan QLT trong việc thực thi pháp luật về thuế, dự thảo Luật QLT đã bổ sung hoàn thiện các quy định này, đặc biệt là bổ sung quyền của NNT. Theo đó, thêm các quyền như:  NNT được biết thời han giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan QLT…

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của NNT, đồng thời giúp NNT nắm bắt chính sách pháp luật thuế từ đó nâng cao ý thức tuân thủ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Dự thảo Luật cũng bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền và hỗ trợ NNT vào phạm vi của công tác QLT.

“Như vậy, việc xây dựng Luật QLT (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho QLT hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, cho cơ quan QLT thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của NNT; quyền và trách nhiệm của cơ quan QLT theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực…”, ông Tuấn khẳng định và cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 /2019.

Ngoài chính sách thuế về HĐĐT, QLT, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP của Chính phủ và sửa đổi một số điểm của Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Về thuế giá trị gia tăng (GTG), sửa đổi một số hướng dẫn về phương pháp tính thuế GTGT, về tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu. Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hướng dẫn một số khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như: Hướng dẫn cụ thể hơn về trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ;  Bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Về thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi, bổ sung quy định về khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Đọc thêm